Mở ra tương lai cho khóm Cầu Đúc

18/05/2017 | 07:12 GMT+7

Những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội địa phương, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã có nhiều hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp thông qua tiến bộ khoa học. Trong đó, nổi bật là xây dựng thành công vùng khóm nguyên liệu VietGAP 50ha. Đây là cơ hội để mở ra một tương lai mới cho sản phẩm khóm Cầu Đúc Hậu Giang.

Nhiều đề tài, dự án được ứng dụng tại HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, giúp khóm Cầu Đúc Hậu Giang có được vị thế như hôm nay.

Trao chìa khóa

Qua việc triển khai, ứng dụng các mô hình, dự án, khoa học dần đưa nông sản chủ lực của tỉnh lên một vị thế mới. Trải qua nhiều năm bám rễ tại Hậu Giang, trái khóm Cầu Đúc (Queen) được cả nước biết đến với cái tên độc quyền: khóm Cầu Đúc Hậu Giang và chuẩn VietGAP. Trên từng rẫy khóm, các kỹ sư khoa học đã tỉ mỉ, nâng niu, chăm chút lựa chọn từng con giống, loại phân hữu cơ an toàn, chất lượng được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến. Thực hiện nghiên cứu về khóm Queen, từ năm 2008-2011, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen sạch bệnh ở Hậu Giang”. Tiếp đó là dự án cấp Bộ “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen “Cầu Đúc” ở Hậu Giang” do thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm. Đây cũng là cơ sở để cung cấp cây giống từ nguồn cây đầu dòng sạch bệnh cho vùng khóm nguyên liệu ở thành phố Vị Thanh hiện nay.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện mô hình sản xuất khóm VietGAP tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Tất cả được triển khai bằng kỹ thuật cao như trồng cây sạch bệnh héo khô đầu lá, áp dụng kỹ thuật phân bón vô cơ và hữu cơ kết hợp, ứng dụng giải pháp IPM (xử lý giống và đất, mật độ canh tác hợp lý…). Những biện pháp tiên tiến này nhằm giảm chi phí, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cải tiến khâu thu hoạch về giảm tỷ lệ hao hụt. Sau 13 tháng trồng, khóm cho năng suất trung bình 30 tấn/ha, tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Khóm loại 1 đạt 90%, tăng 30% so với khi chưa áp dụng chuẩn VietGAP”.

Bên cạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác khóm theo chuẩn VietGAP, ngành khoa học công nghệ tỉnh còn tiến hành bảo tồn nguồn gen khóm Cầu Đúc. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Thắng sẽ là nơi thực hiện, giúp tỉnh lưu giữ những con giống chất lượng, đặc trưng của đặc sản khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Ông Vu Sủi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Những biện pháp canh tác trong dự án khóm VietGAP đã giúp nông dân làm quen với trồng khóm an toàn, chất lượng. Từ đây, nông dân và thành viên HTX có được kiến thức cơ bản để sản xuất khóm. Đây cũng là nền tảng để chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo quy hoạch mở rộng vùng khóm chất lượng của thành phố”.

Tương lai rộng mở

Chiếc chìa khóa công nghệ đã được trao và cánh cửa tương lai dần mở ra cho nông dân trồng khóm. Vào đầu năm 2017 này, thành phố Vị Thanh đã ban hành đề án mở rộng, phát triển cây khóm Cầu Đúc Hậu Giang giai đoạn 2017-2020 để phát huy tiềm năng nông nghiệp của thành phố. Song song đó, giúp người dân trong vùng cải thiện thu nhập và cây khóm Cầu Đúc Hậu Giang trở thành cây trọng điểm có kinh tế cao của vùng đất phèn nặng. Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Theo đề án, từ nay đến năm 2020, toàn thành phố phát triển thêm diện tích 720ha, nâng tổng diện tích trồng khóm lên 2.000ha. Trong đó, xã Tân Tiến 171ha, xã Hỏa Lựu 109ha, xã Hỏa Tiến 341ha và xã Vị Tân 99ha; cung cấp sản lượng khóm cho các nhà máy chế biến, siêu thị hàng năm khoảng 40.000 tấn/năm, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh, thành phố cũng đã quy hoạch nhà máy sản xuất khóm để giúp tiêu thụ sản phẩm của người dân được ổn định.

Đối với HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, trong tháng 4 vừa qua cũng đã tổ chức Đại hội thành viên bất thường để củng cố lại bộ máy quản lý, thu hút thêm thành viên mới. Với mục tiêu phát triển vì lợi ích của thành viên, nông dân trồng khóm và chất lượng sản phẩm, HTX đã đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, đề ra mục tiêu tăng thêm diện tích trồng khóm VietGAP, tăng lợi nhuận lên 12%. Ông Vu Suổi cho biết thêm: “Dựa trên cơ sở sản xuất khóm VietGAP từ các dự án, HTX sẽ tiếp tục duy trì cách sản xuất tiên tiến để tạo ra trái khóm chất lượng. Từ đó, sẽ bán được giá cao, bảo đảm thu nhập và lợi nhuận cho thành viên”.

Bên cạnh đó, HTX cũng đã tìm tòi, mở rộng nhiều dịch vụ kinh doanh mới. HTX đã chế biến được siro khóm, bánh mứt khóm, khóm sấy khô, rượu khóm để đa dạng sản phẩm từ đặc sản khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Ông Vu Sủi tâm đắc: “Vùng khóm của HTX cũng được thành phố, tỉnh chọn là khu du lịch sinh thái. Vì vậy, trong tương lai sản phẩm khóm của chúng tôi sẽ có cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh ra bạn bè cả nước”.

Từ thực tế cho thấy, trái khóm Cầu Đúc Hậu Giang sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu xa hơn. Tất cả là nhờ sản phẩm chất lượng, nhờ sự hỗ trợ không nhỏ của khoa học công nghệ, chính quyền địa phương và chủ trương của tỉnh. Đây là cơ hội rộng mở để đặc sản Hậu Giang tiếp tục vươn xa. Trong đó, có sự phấn khởi và niềm vui được mùa, được giá của người dân trồng khóm Cầu Đúc Hậu Giang.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>