Để khoa học và công nghệ cấp huyện phát triển

07/04/2022 | 07:52 GMT+7

Các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tích cực lên kế hoạch triển khai hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện. Năm nay, mỗi địa phương đều có định hướng riêng để hoạt động này phát huy hiệu quả tích cực.

Mô hình “Trồng rau thủy canh trong nhà lưới” của thành phố Ngã Bảy đã qua 2 vụ sản xuất và cho kết quả khả quan.

Ưu tiên đưa KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp

Hoạt động KH&CN cấp huyện do phòng kinh tế hoặc phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thị, thành phố phụ trách. Hàng năm, mỗi địa phương đều dành kinh phí sự nghiệp cho hoạt động này. Nguồn kinh phí được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KH&CN như: xây dựng các mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức các cuộc thi, hội thi sáng kiến, sáng tạo khoa học, kỹ thuật; thông tin, tuyên truyền về KH&CN; đảm bảo công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng;... Trong đó, việc xây dựng các mô hình, đề tài, dự án luôn là hoạt động trọng tâm, được đầu tư thực hiện.

Năm 2022, các mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp huyện tập trung trợ lực cho lĩnh vực nông nghiệp. Một số đề tài, dự án đã thực hiện từ những năm trước tiếp tục được triển khai trong năm nay như dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chế biến sau thu hoạch rau đắng đất Polygonum aviculare L. tại huyện Phụng Hiệp”; dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu xiêm đạt chứng nhận GlobalGAP tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”; dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh khóm Queen Cầu Đúc ở Hậu Giang”...

Các mô hình, đề tài, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực hiện tại nhiều địa phương trong năm nay. Tiêu biểu là mô hình “Trồng rau thủy canh trong nhà lưới” của thành phố Ngã Bảy, đã triển khai từ cuối năm 2021. Đến nay, qua 2 vụ trồng thử nghiệm, mô hình đã thu được kết quả khả quan. Bà Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trạm Khuyến nông thành phố Ngã Bảy, chủ nhiệm mô hình, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của các ngành chuyên môn và khoảng 20 người dân để giới thiệu về mô hình. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai trồng vụ thứ 3 để làm cơ sở tổng kết, báo cáo và nhân rộng mô hình này tại thành phố”.

Cùng định hướng với thành phố Ngã Bảy, huyện Vị Thủy cũng đang lên kế hoạch triển khai dự án “Trồng rau thủy canh trong nhà màng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ số”. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp người dân địa phương được tiếp cận với việc trồng rau sạch, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và phát triển kinh tế địa phương. Trong khi đó, thị xã Long Mỹ dự kiến thực hiện dự án “Nâng cao chất dinh dưỡng của đất sản xuất lúa” và dự án “Phục hồi xoài tượng”. Qua đó, góp phần giúp cho nền nông nghiệp của tỉnh nhà phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn.

Tăng cường ứng dụng thực tế

Căn cứ theo tiêu chí dân số, hàng năm, mỗi địa phương sẽ có nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN khác nhau. Huyện Phụng Hiệp được phân bổ nhiều nhất với 486 triệu đồng, huyện Vị Thủy là 268 triệu đồng, thành phố Ngã Bảy là 175 triệu đồng, thị xã Long Mỹ là 195 triệu đồng, thành phố Vị Thanh là 229 triệu đồng,... Với nguồn kinh phí này, các địa phương phải chi cho nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực KH&CN.

Trong đó, việc xây dựng các mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chỉ chiếm khoảng 50% kinh phí. Vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả, nâng cao tính ứng dụng của các mô hình, đề tài, dự án vào thực tế sản xuất tại địa phương, các huyện, thị, thành phố đã có định hướng triển khai những cách làm mới.

Thay vì xây dựng những mô hình mới, năm nay, thành phố Ngã Bảy tập trung hỗ trợ cho các mô hình ứng dụng KH&CN đã được người dân thực hiện. Theo ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố: “Nhận thấy việc làm mô hình mới có chi phí khá lớn, trong khi khả năng nhân rộng thì tương đối khó, vì vậy năm nay chúng tôi chuyển sang phương án tìm các mô hình có sẵn mà người dân hoặc cơ sở đang thực hiện, ứng dụng KH&CN mang lại hiệu quả kinh tế. Chúng tôi sẽ hỗ trợ để người dân làm, như vậy sẽ có tính thực tế, khả năng nhân rộng cao hơn và sẽ thực hiện được nhiều mô hình hơn”.

Trong khi đó, huyện Châu Thành A quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng các đề tài, dự án tham gia các cuộc thi sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn huyện. Ông Lê Quang Duy, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, cho biết: “Bên cạnh việc tiếp tục triển khai các dự án đang thực hiện, đối với các đề tài, dự án tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp huyện năm nay, chúng tôi sẽ lựa chọn đề tài, dự án nào đáp ứng được yêu cầu để hỗ trợ triển khai, ứng dụng tại địa phương trong thời gian tới”.

Cách làm này giúp huyện Châu Thành A phát huy hiệu quả của các sản phẩm, đề tài, dự án tham gia các cuộc thi, hội thi. Qua đó, vừa ứng dụng KH&CN vào thực tế đời sống sản xuất, vừa thúc đẩy phong trào sáng tạo của huyện.

Với những định hướng triển khai phù hợp với nguồn kinh phí, tình hình thực tế và nhu cầu của từng địa phương, hoạt động KH&CN cấp huyện năm nay hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả, góp phần vào sự phát triển của các huyện, thị, thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>