Biến chất thải của lục bình thành phân bón hữu cơ

29/11/2021 | 09:31 GMT+7

Tận mắt chứng kiến người dân sau khi thu hoạch cọng lục bình thì bỏ phần rễ trên sông, gây lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, Nhà máy sản xuất đất sạch và Nông nghiệp công nghệ cao (DASACO), thuộc Công ty TNHH Đa năng Hoàn Cầu đã thu mua lại để xử lý thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng.

Nhờ nhà máy thu gom rễ lục bình làm phân hữu cơ mà không ít chị em ở địa phương có thêm thu nhập.

Sau một ngày cần mẫn cắt cọng lục bình để phơi, bán lại cho các cơ sở đan lát lục bình, chị Đặng Thị Hoa, ở ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, không thấy mệt mà còn rất vui vì nguồn thu nhập được tăng lên từ đám rễ lục bình mà mình thu gom được. Chị Hoa bày tỏ: “Mấy tháng nghỉ cách ly dịch bệnh vừa rồi, tôi không làm gì ra tiền, ruộng nhà có mấy công cũng không có thu nhập vì làm lúa vụ 3 không có lời. May nhờ có nhà máy phân bón thu mua hết số rễ lục bình mà chị em tôi có thêm chi phí lo ăn uống mỗi ngày cho gia đình”.

Cùng thực hiện công việc cắt và thu gom rễ lục bình bán cho vựa thu mua được hơn 1,5 tháng nay, chị Trần Thị Mỹ Châu, ở cùng xã Thuận Hưng cũng luôn mừng thầm vì có nguồn thu nhập bình ổn vào những ngày tránh dịch. Mỗi ngày, cùng với chiếc xuồng nhỏ, chị cắt được khoảng 150kg lục bình tươi, sẵn tiện thu gom rễ lục bình về bán đã đem về nguồn thu nhập khoảng 200.000 đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Chị Châu chia sẻ: “Những ngày nghỉ dịch, không ai mướn làm gì thì tôi nhận được tin nhà máy thu mua rễ lục bình làm phân bón. Vậy là tôi tranh thủ làm, tới chiều là tôi thu gom đầy một xuồng, còn lục bình tươi bán được 300 đồng/kg cho chủ vựa. Nhận tiền mỗi tuần một lần nên tôi cũng có đồng ra đồng vào”.

Theo bà Nguyễn Hồng Thắm, chủ vựa thu gom lục bình ở ấp 10, xã Thuận Hưng, thì ở đây lục bình rất nhiều và hầu như bà con đều có thu nhập khá nhờ lục bình. Hồi đó, cắt lục bình xong toàn bỏ rễ trên sông, bây giờ có công ty thu mua nên bà con có thêm tiền phụ kinh tế gia đình mà con sông cũng bớt ô nhiễm hơn trước vì được vớt sạch rễ. Hiện nay, đội vớt lục bình của ấp 10 đã tập hợp được khoảng 7 chị em đến để phụ thu gom rễ lục bình, vô bao vận chuyển về nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đặt tại ấp 11, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. 

Ông Lê Văn Tân, Giám đốc Nhà máy Sản xuất đất sạch và Nông nghiệp công nghệ cao, thông tin: Công ty và nhà máy có chức năng chính là sản xuất đất sạch và thực hiện thử nghiệm trên nhiều loại cây trồng, rau màu tại địa phương. Mục tiêu của nhà máy luôn mong muốn làm sạch môi trường, hướng đến sản xuất theo hình thức bền vững, an toàn, thân thiện, hạn chế tối đã sử dụng sản phẩm hóa học. Vì thế, nhà máy đã nghĩ đến phương pháp tận dụng tất cả những phế phẩm nông nghiệp, biến chúng từ chất phế thải thành những sản phẩm có ích. Gần đây nhất, đội ngũ kỹ sư của nhà máy đã nghiên cứu và thử nghiệm phối trộn các phế phẩm có sẵn tại địa phương để làm ra sản phẩm đất sạch, mang về phục vụ lại cho mô hình nông nghiệp tại quê hương.

Thực hiện theo định hướng đó, nhóm kỹ sư gồm 2 người là Võ Thị Thúy Huỳnh, Bùi Triệu Thương đã tiến hành nghiên cứu công thức phối trộn với nhiều tỷ lệ khác nhau, nhằm tạo được thành phẩm phân hữu cơ mang hiệu quả tốt nhất. Kỹ sư Võ Thị Thúy Huỳnh cho biết: Hiện nhóm chúng tôi đã và đang thử nghiệm công thức phối trộn từ 20-30% là rễ lục bình với 70-80% các phụ phẩm khác. Với công thức độc quyền, chỉ sau 21 ngày ủ phân, nhóm đã thực hiện thu gom được 50 tấn phụ phẩm rễ lục bình, bã bùn từ các nhà máy gần khu vực. Ngoài ra, để tận dụng được triệt để nguồn phế phẩm sẵn có, nhà máy cũng sẽ thu mua theo mùa vụ như bã mía, tro trấu... và sản xuất phân hữu cơ. Dự kiến, vào cuối tháng 11 này, nhà máy sẽ cho ra mắt lô sản phẩm đầu tiên với kiểu cách đóng gói 13-15kg/bao. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã và đang đề nghị công ty hỗ trợ nhập máy móc tân tiến hơn để sản xuất phân hữu cơ dạng ép viên để cung ứng đa dạng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết, hiện tại công ty tiến hành thu mua nguyên liệu tại các khu vực xa hơn như xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, để gia tăng lượng phân bón thành phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều công ty, HTX, nông dân. Điều đáng quý ở đây là nhà máy đã không những giúp làm sạch môi trường nước tại các con sông của địa phương mà còn giúp người dân trong khu vực có thêm nguồn thu nhập. Với giá thu mua 650.000 đồng/tấn rễ lục bình và năng suất 3.000-4.000 tấn/năm, nhà máy đã góp phần làm giảm đáng kể nguồn phế phẩm từ nông nghiệp, đưa dòng nước của các con sông ngày càng thông thoáng, trong sạch, giúp làm giàu cho xứ sở anh hùng.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>