Trả lời kiến nghị của cử tri

23/05/2022 | 08:49 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Cử tri ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp kiến nghị ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể mô hình hợp tác xã tại ấp 2 để người dân tham gia phát triển sản xuất đạt hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

 Đây là một kiến nghị hết sức chính đáng và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xu thế phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, là yếu tố cốt lõi cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Bà con cử tri muốn xây dựng mô hình hợp tác xã để phát triển sản xuất hiệu quả, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ, tư vấn bà con các thủ tục để thành lập như xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh… và đại hội ra mắt hợp tác xã.

Tuy nhiên, điều quan trọng là sự đồng lòng, nhất trí của bà con tại địa phương; huy động được người dân có cùng ý chí, cùng nguyện vọng, có tâm huyết, tự nguyện để tham gia hợp tác xã và xác định được lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, điều kiện thực tế tại địa phương để sau khi thành lập hoạt động bền vững, lâu dài, hiệu quả và mang lại lợi ích cho thành viên đúng như bản chất của hợp tác xã.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp địa phương xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; đồng thời hàng năm tổng hợp báo cáo nhằm đánh giá nhân rộng các mô hình có hiệu quả phù hợp với điều kiện từng vùng. Nhiều mô mình mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nông dân ứng dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

Tại huyện Phụng Hiệp, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được bà con quan tâm đầu tư sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao tùy vào mức độ đầu tư và trình độ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Mô hình chuyển đổi đất mía sang trồng khóm MĐ2, trồng nhãn Ido an toàn vệ sinh thực phẩm, mô hình trồng chanh không hạt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm… Bên cạnh đó, trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chọn 9 sản phẩm chủ lực để tập trung sản xuất: lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát để phát triển theo chiều sâu, tập trung tạo bước đột phá mới. Các nông sản đã bước đầu sản xuất theo hướng GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.

Tuy nhiên, để bà con nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả và bền vững ngoài việc lựa chọn mô hình phù hợp, trong quá trình canh tác người dân cần chú ý sử dụng giống tốt sạch bệnh, áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất (bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ 4.0 và bao trái vào sản xuất...) để tạo ra các sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao và sản lượng lớn nhằm thu hút sự quan tâm liên kết của các công ty, doanh nghiệp để thu mua sản phẩm cho bà con nông dân, tạo đầu ra sản phẩm thật ổn định.

Cử tri kiến nghị:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp nhà máy đường quan tâm vùng mía nguyên liệu của huyện, có kế hoạch, giải pháp cụ thể, hướng dẫn phương án chuyển đổi cây trồng, tạo điều kiện cho người dân tham gia sản xuất có lãi trong thời gian tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ mía của người dân, cả doanh nghiệp, cụ thể là việc thu hoạch, tiêu thụ gặp khó khăn do phòng, chống dịch bệnh và nhà máy đường hoạt động trễ hơn so với những năm trước; niên vụ mía 2022 khả năng người trồng mía sẽ tiếp tục gặp khó do giá phân bón tăng cao, nguồn cung hạn chế, dự báo xâm nhập mặn sớm…

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, cầu nối giữa người trồng mía và doanh nghiệp, hàng năm, Sở đều có kế hoạch, chương trình làm việc với Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) để nắm bắt thông tin về diện tích bao tiêu và đầu tư cho sản xuất mía trên địa bàn tỉnh từ đầu vụ, qua đó thúc đẩy công ty có hợp đồng bao tiêu với người trồng mía, sớm có thông báo về kế hoạch vụ ép mía trong năm. Quan tâm việc hoàn thiện, tu sửa đê bao sản xuất mía tại các vùng mía nguyên liệu tại huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng mía bảo vệ sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật trồng, hướng dẫn về chuyển đổi cây mía sang cây trồng khác như: chanh không hạt, mít, nhãn Ido, khóm (tại vùng phèn), các mô hình chuyển đổi cây trồng kết hợp nuôi trồng thủy sản (cá đồng, ốc bươu đen…) hoặc trồng sen, ấu để phù hợp thực tế diện tích có mương, liếp. 

Trong năm 2021, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện trình diễn mô hình chuyển đổi cây mía sang cây bắp ngọt và cây bưởi da xanh thực hiện tại các huyện Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy. Trong đó, đã thực hiện 4ha/7hộ chuyển sang bắp ngọt và 1ha/2 hộ chuyển sang bưởi da xanh. Kết quả, đối với cây bắp, lợi nhuận đạt được của mô hình không cao do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội (lợi nhuận trung bình 200.000 đồng/ha); đối với bưởi da xanh thì cây đang phát triển tốt.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ người dân sản xuất, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chủ trì làm việc với CASUCO để từ niên vụ mía 2022 tăng diện tích mía được bao tiêu trên địa bàn tỉnh. Đề nghị công ty sớm công bố các chính sách thu mua, thông báo thời gian hoạt động nhà máy phù hợp tình hình thu hoạch tại vùng nguyên liệu để đảm bảo lợi ích song phương. Thực hiện mô hình thực nghiệm trồng mía áp dụng cơ giới hóa đồng bộ giúp người trồng mía nâng cao giá trị sản xuất của cây mía, gia tăng lợi nhuận.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>