Đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân

05/12/2021 | 12:45 GMT+7

Trong 3 ngày, từ ngày 7 đến 9-12, HĐND tỉnh sẽ tổ chức Kỳ họp thứ năm (cuối năm) để bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của địa phương. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bà Mã Thị Tươi (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, về các nội dung liên quan đến kỳ họp.

Thưa bà, xin bà cho biết việc tổ chức Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh được tiến hành như thế nào trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ?

- Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhưng theo luật định, HĐND tỉnh vẫn phải tổ chức kỳ họp với việc tuân thủ các quy định về phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo kỳ họp diễn ra an toàn, hiệu quả, chất lượng cao nhất.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại nơi diễn ra kỳ họp, chúng tôi thực hiện phun thuốc khử khuẩn. Đại biểu dự Kỳ họp được bố trí ở 2 hội trường kết nối trực tuyến với nhau để tránh việc tập trung quá đông người trong cùng một hội trường và ngồi giãn cách. 100% đại biểu HĐND tỉnh và khách mời đến dự kỳ họp đều được tổ chức xét nghiệm RT-PCR Covid-19.

Xin bà cho biết kỳ họp này gồm những nội dung quan trọng nào ?

- Kỳ họp thứ năm cũng là kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 nên có rất nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đại biểu sẽ nghe báo cáo trung tâm và thảo luận, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021.

Ngoài ra, kỳ họp còn thông qua 8 báo cáo và gửi cho đại biểu nghiên cứu 14 báo báo về các hoạt động của HĐND tỉnh, báo cáo về kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri; về công tác xây dựng chính quyền, về tài chính - ngân sách, tư pháp, giải quyết khiếu nại - tố cáo…

Quan trọng không kém là kỳ họp sẽ xem xét 25 tờ trình, 25 dự thảo nghị quyết trên các lĩnh vực để thông qua. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương căn cứ vào đó triển khai thực hiện, góp phần đưa tỉnh nhà có những bước phát triển trong năm 2022 ổn định hơn sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch. Gồm các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022; về thu chi ngân sách; về đầu tư công năm 2022 và đầu tư công trung hạn; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất…

Chúng tôi cũng dành một buổi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của các sở, ngành về các vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm nhất. Tinh thần của buổi chất vấn, trả lời là hỏi trọng tâm, trả lời có trách nhiệm, rõ ràng, đầy đủ.

Cụ thể sẽ chất vấn các sở, ngành nào ?

- Dự kiến, chúng tôi chất vấn 4 sở, gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế. Trong quá trình chất vấn sẽ mời lãnh đạo những sở, ngành liên quan đến công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ với 4 sở được chất vấn để làm rõ hơn vấn đề.

Như bà vừa thông tin, kỳ họp tới đây thông qua 25 nội dung quan trọng, như vậy, tiến độ xây dựng, thẩm tra các dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp đến nay như thế nào? Trong quá trình chuẩn bị các dự thảo đã có đổi mới ra sao để nâng chất ?

- Đến hôm nay, các văn bản trình kỳ họp đã được chuẩn bị xong, tôi đánh giá là rất chu đáo, đầy đủ theo kế hoạch. Công tác thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác này từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. Cụ thể, trong quá trình xây dựng dự thảo được cơ quan chức năng chỉ đạo rất quyết liệt về nội dung, tiến độ thực hiện.

Thường trực HĐND tỉnh cũng chỉ đạo các ban HĐND tỉnh phối hợp chặt với các cơ quan trình hồ sơ dự thảo nghị quyết ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xây dựng để nghiên cứu, đóng góp, tạo sự thống nhất về quan điểm trong xây dựng các nội dung. Từng thành viên được giao dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong nghiên cứu, đóng góp, giúp cho UBND tỉnh, các ngành hoàn thiện dự thảo phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiệm kỳ này, Hậu Giang quyết tâm đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp, vậy với kỳ họp cuối năm, quyết tâm này được cụ thể hóa ra sao ?

- Đây là một trong năm kỳ họp của HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 được chúng tôi hiện thực hóa định hướng, yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về “phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của HĐND; đảm bảo dân chủ, công khai trong thảo luận, chất vấn; thực hiện tốt tiếp xúc, giải quyết kiến nghị của cử tri, công tác giám sát, thẩm tra của HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND các cấp; phối hợp tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định”.

Trước tình hình dịch bệnh, chúng tôi đã đổi mới công tác tiếp xúc cử tri. Đó là tiếp xúc thông qua việc ghi nhận ý kiến của bà con ở các kênh như: Cử tri gửi ý kiến trực tiếp lên Trang thông tin điện tử HĐND tỉnh; gửi ý kiến trực tiếp thông qua địa chỉ email của HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; gửi thư phản ánh, ý kiến, kiến nghị qua địa chỉ: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; chuyển ý kiến đến: Chuyên trang “Đồng hành cùng cử tri”; chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”; phát phiếu ghi nhận ý kiến cử tri.

Kỳ họp này chúng tôi cũng ứng dụng đầy đủ công nghệ thông tin vào các phiên họp để đảm bảo thông tin đến đại biểu nhanh nhất, đồng thời góp phần phòng, ngừa dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ thông tin để trình chiếu các files ảnh minh họa liên quan đến nội dung báo cáo; đặc biệt kỳ họp này chúng tôi áp dụng kỳ họp HĐND tỉnh không giấy.

Để nghị quyết của HĐND tỉnh sau khi ban hành sớm đi vào cuộc sống và có sức sống lâu dài, bà có những lưu ý như thế nào đối với trách nhiệm đại biểu, các ban HĐND tỉnh ?

- Để nghị quyết đi vào cuộc sống và có sức sống lâu dài, điều quan trọng trước tiên như tôi vừa đề cập là công tác dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết, phản biện các dự thảo của đại biểu, cơ quan chức năng phải đảm bảo tính pháp lý, tính khoa học, tính thực tiễn và cụ thể hóa được chủ trương của Tỉnh ủy để góp phần giúp cho HĐND có những quyết định đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội. Có nghĩa là có căn cứ để nghị quyết ra đời, có cứ liệu để hình thành các chỉ tiêu và đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.

Với trách nhiệm của mình, Thường trực HĐND, các ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND tỉnh, vận động, cùng Nhân dân thực hiện các nghị quyết. Đồng thời giám sát quá trình thực hiện nghị quyết của các cấp, các ngành. Chủ động đôn đốc cơ quan chức năng trong việc hiện thực hóa các chỉ tiêu của nghị quyết; kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập để kiến nghị, yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan liên quan có giải pháp đảm bảo nghị quyết được thực thi đạt hiệu quả cao nhất.

Công tác sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết cũng sẽ được thực hiện kịp thời để sớm rút kinh nghiệm, tìm ra hạn chế, nguyên nhân hạn chế. Đồng thời làm cơ sở đề nghị HĐND xem xét quyết định bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không phù hợp để nghị quyết tiếp tục phát huy tốt hiệu quả.

Bà Mã Thị Tươi: “Trước Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Qua tiếp xúc, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, sự phát triển của tỉnh. Sau khi tổng hợp kiến nghị của bà con, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển các nội dung cử tri kiến nghị về UBND tỉnh để UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp; đến nay, các ý kiến, kiến nghị đều được trả lời.

 

Xin cảm ơn bà !

QUỲNH LAM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>