Đại biểu đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung dự thảo luật

22/10/2020 | 23:12 GMT+7

(HG) - Ngày 22-10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 bằng hình thức trực tuyến. Dự điểm cầu Hậu Giang, có ông Huỳnh Thanh Tạo, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (đứng), Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu thảo luận tại điểm cầu Hậu Giang.

Trong ngày, đại biểu Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Sau phát biểu báo cáo, giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, các đại biểu cơ bản nhất trí cao việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở các cấp chưa được quy định trong Pháp lệnh như thỏa thuận quốc tế cấp cục, tổng cục, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, cơ quan cấp tỉnh…

Tuy nhiên, một số đại biểu nêu ý kiến, việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND xã cần được cân nhắc thận trọng do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định.

Vì vậy, các đại biểu cho rằng, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Các đại biểu cũng đề nghị không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế,

tránh dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia.

Trước đó, phát biểu đóng góp dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đề nghị Ban soạn thảo thay đổi thuật ngữ “tái phạm” thành thuật ngữ “tái vi phạm” tại khoản 2, Điều 5 dự thảo.

Bởi theo đại biểu Phong, tái phạm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự. Do vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính sử dụng thuật ngữ này dễ dẫn đến nhầm lẫn và không đúng với bản chất của khái niệm.

Cho nên, cần sử dụng thuật ngữ “tái vi phạm” nhằm khắc phục được sự nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật, nhưng cũng vừa thể hiện đúng bản chất của khái niệm “tái vi phạm” là tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính đã thực hiện trước đó.

Tại Điều 58, dự thảo luật quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là: “Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ” trong lĩnh vực quản lý của mình. Theo ông Phong, quy định này trước đây đã tạo ra sự hỗn loạn trong việc xử phạt vi phạm hành chính ở các địa phương, trong đó không rõ người nào sẽ lập biên bản? Người lập biên bản không phải là người có thẩm quyền xử phạt thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính có đúng không?

Thế nhưng, trong lần sửa đổi này, đại biểu Phong cho rằng dự thảo lại bỏ qua thẩm quyền của người lập biên bản thì chắc chắn khi áp dụng vào thực tiễn sẽ tiếp tục gây khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt vì chẳng biết người nào lập biên bản vi phạm hành chính sẽ là hợp pháp?

Do vậy, ông Phong đề nghị cần bổ sung quy định về chủ thể có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo hai hướng: Một là, người đang thi hành công vụ mà lập biên bản vi phạm hành chính đúng với nhiệm vụ, công vụ được giao được xem là biên bản hợp pháp.

Hai là, người đang thi hành công vụ mà phát hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc nhiệm vụ, công vụ của mình thì lập biên bản vi phạm pháp luật và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính.

Tin, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>