Chất vấn, trả lời rõ ràng nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

08/12/2021 | 23:08 GMT+7

Tại phiên họp thứ tư Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa X, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời chất vấn các vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Theo ghi nhận, chất lượng chất vấn đạt khá cao khi đại biểu mạnh dạn nêu lên những vấn đề mình chưa hài lòng, còn lãnh đạo các sở cũng trả lời đúng trọng tâm.

Lãnh đạo ngành y tế (đứng) trả lời chất vấn.

Kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp     

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của tỉnh. Đặt câu hỏi chất vấn với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Thùy Linh, đơn vị huyện Châu Thành A, đề nghị ngành kế hoạch và đầu tư cho biết những giải pháp để từng bước phục hồi kinh tế của tỉnh.

Trao đổi với đại biểu và cử tri, ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhìn nhận đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, thu hẹp sản xuất, sức chống chọi của doanh nghiệp suy giảm. Để phục hồi kinh tế, ngành kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó đề ra nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành để triển khai thực hiện.

Đại biểu nêu câu hỏi chất vấn.

Cũng theo ông Hùng, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Tính đến nay, tỉnh đã giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho 3.096 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và 90.012 người, số tiền 124,6 tỉ đồng. Tỉnh đã chi và phê duyệt hỗ trợ đối tượng đặc thù của tỉnh là 2.381 người, với số tiền là 1,9 tỉ đồng; đã hỗ trợ cho 6.330 hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, với số tiền là 6,3 tỉ đồng từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh…

Về giải pháp phục hồi kinh tế trong thời gian tới, ông Hùng thông tin tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, vì trong đó bao gồm các giải pháp rất trọng tâm để phát triển và tạo động lực bứt tốc tăng trưởng trong thời gian tới.

Cùng với đó là phát huy vai trò Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong tình hình mới nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn, thông suốt cho doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tại phiên chất vấn, đại biểu đánh giá tỉnh đang có nhiều điều kiện, thời cơ để phát triển. Vấn đề đặt ra là tỉnh sẽ có giải pháp gì để khai thác hiệu quả điều kiện, thời cơ đó. Thông tin về vấn đề này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã xây dựng định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; đồng thời UBND tỉnh chuẩn bị trình Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.

Về giải pháp thực hiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết tỉnh tập trung đầu tư tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn; đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư một số dự án phát triển đô thị mới theo hướng hiện đại; tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc thù; liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước để đào tạo nguồn chất lượng cao cho Hậu Giang...

Tập trung xây dựng các mô hình tiên tiến trong sản xuất

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Xuân, đơn vị huyện Phụng Hiệp đã chất vấn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về kết quả mà ngành đã thực hiện để trang bị kiến thức, kỹ thuật cũng như công cụ lao động cần thiết cho người dân phục vụ việc chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thông qua các chương trình, dự án, đề án, ngành nông nghiệp đã tổ chức tập huấn trang bị kỹ thuật sản xuất cho người dân. Tập trung xây dựng các mô hình tiên tiến trong sản xuất, giảm giá thành, sản xuất ra những nông sản an toàn.

Về trang bị máy móc phục vụ sản xuất của người dân, ông Hùng cho biết, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết phát triển lĩnh vực nông nghiệp như: Đề án phát triển trạm bơm điện, Đề án cơ giới hóa lĩnh vực nông nghiệp… Từ các đề án này, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều trạm bơm điện, mua sắm máy gặt đập liên hợp để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hàng năm, ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông. Riêng đối với trồng lúa, hiện nay, đa số nông dân đã thấy được hiệu quả của việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận, vì vậy tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa sử dụng giống lúa cấp xác nhận đạt rất cao, nhất là vụ Đông xuân lên đến trên 90%.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về Dự án hồ nước ngọt đang bị chậm tiến độ, ông Hùng cho biết, Dự án hồ nước ngọt được phê duyệt từ năm 2018-2021. Dự án này có vị trí, vai trò rất quan trọng trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Việc chậm tiến độ thực hiện dự án ảnh hưởng không lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân, nhưng ảnh hưởng đến vấn đề đi lại và chưa phát huy được hiệu quả của dự án như mong muốn. Về tiến độ thực hiện dự án thì Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp sẽ có văn bản trả lời cụ thể cho đại biểu và cử tri được rõ.

Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rácHậu Giang

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu về kết quả thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công trong đề án.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh và địa phương đã tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng về các nội dung thực hiện đề án thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền, tập huấn, các phương tiện thông tin truyền thông, treo băng rôn, pano, phát tờ rơi…

Tuy nhiên, ông Việt nhìn nhận, do năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh nên bước đầu còn khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện, tiến độ triển khai các công việc còn chậm. Một vài đơn vị, địa phương chưa nghiên cứu sâu về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong đề án; thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai các mô hình, các hoạt động về bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài nên tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm so với tiến độ.

Về giải pháp triển khai thực hiện đề án trong thời gian tới, ông Việt cho biết tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường. Hoàn thành thí điểm mô hình mới về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị và nông thôn, đánh giá hiệu quả các mô hình làm cơ sở để nhân rộng mô hình có hiệu quả. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác Hậu Giang đưa vào hoạt động để giải quyết việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh.

Cùng với đó, tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tăng cường vận động hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông, kênh, rạch, không phù hợp quy hoạch thực hiện lộ trình giảm đàn phù hợp và di dời đến nơi phù hợp quy hoạch. Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vứt rác, vứt xác súc vật, xả chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa xử lý ra môi trường, nơi công cộng không đúng quy định.

Ý thức của người dân là yếu tố rất quan trọng

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đại biểu Trương Thanh Bình, đơn vị thành phố Vị Thanh, bày tỏ lo lắng trước tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế. Do đó, đại biểu Bình đề nghị ngành y tế nói rõ các giải pháp để khắc phục khó khăn này.

Trao đổi với đại biểu, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Thời gian qua, lực lượng y tế, quân sự, công an đã căng mình chống dịch. Riêng ngành y tế có 56 nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, một số trường hợp được điều trị, phục hồi và tiếp tục tham gia phòng, chống dịch. Ngành y tế đã huy động lực lượng cán bộ y tế nghỉ hưu, sinh viên trong công tác điều tra, truy vết, tiêm ngừa. Tuy nhiên, ngành hiện đang quá tải, do đó ông Tùng kiến nghị Mặt trận, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các tình nguyện viên phục vụ chăm sóc cho người bệnh tại các cơ sở điều trị.

Ông Tùng cũng cho biết, UBND tỉnh đã cho chủ trương cách ly F1 tại nhà, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ vậy, kéo giảm số lượng trường học được trưng dụng làm điểm cách ly F1. Hiện tại, các địa phương đang tiến hành tổng vệ sinh, phun khử khuẩn đối với các điểm trường không làm điểm cách ly.

Cũng theo ông Tùng, nếu các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh không đủ khả năng thu dung điều trị ca nhiễm, thì lúc đó bắt buộc phải cho điều trị F0 tại nhà, ngành y tế chuẩn bị các loại thuốc để phục vụ điều trị tại nhà, đồng thời đề nghị Bộ Y tế bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người bệnh. Để thực hiện hiệu quả cách làm này thì ý thức của người dân là yếu tố rất quan trọng.

Nhìn chung, đại biểu và cử tri khá hài lòng với phần giải trình của lãnh đạo các đơn vị, nhất là đã đề ra những giải pháp giải quyết, khắc phục những khó khăn, hạn chế ở lĩnh vực phụ trách.

T.SƠN - Mỹ AN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>