Ni sư gần 30 năm làm từ thiện...

14/12/2020 | 05:52 GMT+7

Đó là ni sư Thích Nữ Nguyên Hoa, Trụ trì chùa Bửu Tường, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A. Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính yêu thương con người, ni sư Nguyên Hoa có ngần ấy năm làm việc thiện, mang lại niềm vui cho nhiều hoàn cảnh.

Ni sư Nguyên Hoa trong một lần trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn.

Xuất thân trong một gia đình lao động nghèo ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, năm 1976 (17 tuổi), ni sư Nguyên Hoa xuất gia tu tập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1993, ni sư về làm Trụ trì chùa Bửu Tường và gắn bó với quê hương thứ hai ngót nghét gần 30 năm. Về với vùng đất mới còn nhiều gian khó nên ni sư dặn lòng phải làm từ thiện để san sẻ phần nào khó khăn với người dân.

Khi phật tử các nơi đến cúng chùa, ni sư dành dụm để làm từ thiện. Đi đến đâu ni sư cũng mở lời vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp, được bao nhiêu đều dành hết cho người nghèo. “Người tu hành vốn tứ đại giai không nên ni sư sẵn sàng cho hết, cho người dân thật sự cần. Ni sư làm điều đó là học theo Bác, học theo điều Phật dạy phải biết yêu thương, giúp đỡ cho người trong cơn hoạn nạn”, ni sư Nguyên Hoa chia sẻ.

Khó có thể thống kê hết những việc từ thiện mà ni sư đã làm trong hành trình gần 30 năm qua, chỉ biết là đã có rất nhiều người được ni sư giúp đỡ. Qua thống kê, trung bình ni sư trao tặng hơn 1.000 phần quà/năm cho hộ nghèo và nhiều hoạt động thiện nguyện khác, trị giá hơn 1 tỉ đồng.

Riêng năm 2020, ni sư tổ chức trao quà cho hộ nghèo vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày rằm lớn, mỗi lần trao hàng trăm phần; tặng hơn 7.000 quyển tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu năm học mới; đóng góp 3 triệu đồng hỗ trợ cho thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ; vận động trao tặng hàng ngàn bộ quần áo cho người nghèo; tặng 30 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn...

Đặc biệt là vận động hỗ trợ nhà tình thương trị giá 30 triệu đồng cho hộ ông Nguyễn Văn Còn, hộ nghèo ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn. Ông Còn cho biết, do không có đất đai canh tác, lại nuôi con nhỏ nên gia đình chỉ có thể cất tạm căn nhà bằng cây lá để ở. Mỗi khi trời mưa gió là cả gia đình lại khốn khổ chịu đựng. Nhờ ni sư Nguyên Hoa hỗ trợ tiền nên gia đình mới cất lại nhà bằng cây, tôn, nền lót gạch, không còn cảnh chật vật như trước.

Không chỉ làm từ thiện tại địa phương, ni sư Nguyên Hoa còn đi đến những vùng khó khăn của tỉnh An Giang, tỉnh Khánh Hòa để giúp đỡ người nghèo. Khi các tỉnh miền Trung hứng chịu thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng vừa qua, ni sư đã đóng góp 10 triệu đồng để hỗ trợ đồng bào ruột thịt.

Sở dĩ, ni sư Nguyên Hoa có điều kiện làm việc thiện là do… được lòng các mạnh thường quân, nhà hảo tâm gần xa. Nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện đều đặn hàng năm đến nhờ ni sư làm cầu nối để tặng quà cho hộ nghèo. Họ tin tưởng ni sư không hề có chút riêng tư, những món quà của họ đã được trao cho người thực sự khó khăn.

Nhắc tới ni sư Nguyên Hoa thì Đảng ủy, UBND, Mặt trận và các đoàn thể thị trấn Bảy Ngàn biết ngay. Bởi ni sư có mặt và đóng góp cho hầu hết hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Bảy Ngàn, đánh giá: “Khi Đảng ủy, UBND thị trấn mở lời vận động ủng hộ cho một hoạt động an sinh xã hội nào đó thì ni sư rất sẵn lòng. Ni sư còn phối hợp rất tốt với chính quyền địa phương trong các hoạt động từ thiện, đảm bảo tính công khai, minh bạch”.

Ở chùa Bửu Tường có một thông lệ là luôn dự trữ khá nhiều gạo để người dân khi cần có thể đến lấy về dùng. Một số trường hợp rơi vào cảnh khốn khó đến chùa nhờ giúp đỡ luôn được ni sư Nguyên Hoa tặng tiền, gạo theo khả năng. Tấm lòng bồ tát của ni sư đã được các cấp, các ngành ghi nhận bằng nhiều kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen.

Ni sư cho rằng, người tu hành nếu cứ ở chùa gõ mõ tụng kinh sẽ không có nhiều ý nghĩa; tính thiện cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể để giúp đời, giúp người. Như vậy mới tạo ra sức lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ni sư đã “thủ sẵn” 350 phần quà gồm gạo và các nhu yếu phẩm, trị giá 300.000 đồng mỗi phần để tặng cho người nghèo. Số lượng là vậy nhưng ni sư luôn dự phòng thêm vài chục phần quà nữa. “Dù mình thông báo mời 350 hộ nghèo đến nhận quà nhưng số lượng bà con đến thường đông hơn. Do đó phải có quà dự phòng, vì nếu bà con đến đông mà hết quà thì tội nghiệp lắm!”, ni sư Nguyên Hoa tâm sự.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>