Học Bác từ những việc làm đơn giản

24/06/2019 | 08:12 GMT+7

Ông Phạm Văn Dũng, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, đã tích cực học tập Bác về đức tính tiết kiệm, làm việc gì cũng lấy chất lượng làm đầu, dù đó là việc làm đơn giản trong cuộc sống thường ngày.

Ông Phạm Văn Dũng được tuyên dương khen thưởng là tấm gương tiêu biểu học tập Bác từ những việc làm đơn giản trong cuộc sống.

Cưới vợ, ra riêng, ông Dũng được cha mẹ cho 6.000m2 đất vườn, ông đào mương, lên liếp trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Bên cạnh liếp vườn là các ao mương với diện tích mặt nước bỏ không khoảng 1.000m2, ông đã tận dụng khoảng trống này để thả cá, nuôi ốc. Ông cho biết sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đặc tính sinh trưởng của con ốc bươu đen, từ năm 2018 ông thả nuôi chung với cá sặc, cá tra trong mương thử nghiệm. Để tạo nguồn thức ăn cũng như nơi trú ngụ, sinh sản cho ốc, ông đã kết hợp trồng thêm bông súng, không ngờ kết quả đem lại hơn cả dự tính.

Ông Dũng chia sẻ: “Lúc đầu chưa có nguồn con giống, tôi phải ra chợ lựa mua từng con ốc bươu đen. Mỗi lần mua chỉ được vài ký, gom dần cũng thả vô ao, mương được 50kg ốc. Ban đầu vì chưa có kinh nghiệm nuôi nên hiệu quả không cao vì ốc không có chỗ trú, chỗ đẻ”. Sau một thời gian theo dõi, dần dần ông đã rút ra một bài học là muốn nuôi ốc thành công, người nuôi phải chú ý đến môi trường nước và nguồn thức ăn từ thiên nhiên. Vì vậy, khi chăm sóc ốc song song với vườn xoài, ông Dũng hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật. Giải pháp mà ông chọn đó là sử dụng túi bao trái xoài để chống mầm bệnh, sâu hại trái xoài. Cũng từ đó, trái xoài của ông Dũng bán ra luôn có giá cao, bởi mẫu mã đẹp mắt. Ông Dũng phấn khởi vì năm nay thu hoạch được 7 tấn xoài cát Hòa Lộc, giá bán 35.000 đồng/kg và 10.000 đồng/kg xoài Đài Loan.

Bên cạnh đó, ông Dũng đã đặt bọng nước để tạo nguồn nước sạch, không nhiễm bẩn phục vụ cho việc nuôi ốc. Cùng với đó, ông còn kết hợp trồng bông súng nước góp phần lọc bẩn, làm nước trong sạch hơn. Trên 1/3 mặt nước, ông Dũng thả thêm lục bình để tạo nguồn thức ăn cho ốc nên chất lượng thịt ốc khá dai và giòn. Chính điều kiện thuận lợi này nên nuôi quanh năm mà ông Dũng không tốn đồng nào chi phí thức ăn cho ốc.

Cũng theo ông Dũng, ốc bươu đen được sống trong môi trường tự nhiên đã đẻ quanh năm, nhiều nhất là mùa mưa nên tháng nào ao vườn nhà ông cũng có ốc thương phẩm để bán. Trung bình, cứ cách 3 ngày là ông thu hoạch được hơn 20kg ốc và bông súng. Mỗi ký ốc bán với giá 30.000 đồng, số tiền thu được cũng hơn 400.000 đồng. Hàng năm, ngoài tiền bán xoài, gia đình ông Dũng có thêm nguồn thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ ốc và bông súng mà không phải tốn chi phí mua thức ăn thủy sản.

Tuy đây là một mô hình sản xuất đơn giản, ít tốn kém nhưng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Vì vậy, mô hình của ông Dũng đã được các cấp hội, chính quyền địa phương ghi nhận, đề nghị UBND huyện Châu Thành A khen thưởng. Bởi vì mô hình của ông đã được nhiều hộ dân trong địa phương học tập để phát triển kinh tế. Ông Dũng chia sẻ: “Tôi học Bác Hồ ở chỗ không phải làm những việc lớn lao mà chỉ cần làm tốt công việc của mình. Bên cạnh vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bảy Ngàn thì tôi nghĩ trong cuộc sống mình cũng nên tự lực phát triển kinh tế. Và khi quyết định làm mô hình nuôi ốc, tôi đã tìm tòi học hỏi trước mới làm. Chỉ cần quyết tâm và nắm vững kỹ thuật là có thể nuôi thành công”.

Ông Dương Anh Kiệt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bảy Ngàn, nhận xét: “Ngoài làm tốt vai trò, chức trách của tổ chức hội, đồng chí Dũng đã thực hành nêu gương đi đầu trong phong trào học tập và làm theo Bác về phát triển kinh tế. Mô hình nuôi ốc nhỏ gọn, dễ làm nên có thể nhân rộng cho bà con trong địa bàn thị trấn”.

Có lẽ điều phấn khởi nhất đối với mô hình của ông Dũng là đầu ra và giá cả ốc bươu đen rất ổn định, vì ốc tự nhiên ngày càng khan hiếm. Hơn nữa, ốc bươu đen đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng với nhiều món độc đáo như ốc nấu tiêu, ốc nấu chuối xanh, cà ri ốc, gỏi ốc… “Tôi hy vọng mô hình của mình sẽ được chia sẻ cho nhiều bà con nông dân trong địa bàn để một mặt giúp bà con tăng thu nhập và phát triển kinh tế, mặt khác là giúp quảng bá giới thiệu món ăn đặc sản của địa phương mình đi khắp nơi”, ông Phạm Văn Dũng bày tỏ.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>