Cuộc sống khá giả nhờ cần, kiệm theo gương Bác

24/05/2021 | 07:57 GMT+7

Từ một người có cuộc sống khó khăn, vất vả, ông Thạch Thành, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đã mua thêm đất, cất nhà to nhờ thực hiện cần, kiệm theo gương Bác.

Ông Thạch Thành nhiều lần được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác.

Ông Thạch Thành khoe vừa nhận được bằng khen của UBND tỉnh tại Họp mặt kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua. Ngoài bằng khen lần này, trong nhà còn cất giữ nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã khen ông có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác.

Hỏi ông về thành tích để được khen, ông cười hiền nói: “Tôi chỉ học và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động và thực hành tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ vậy mà cuộc sống đỡ vất vả hơn trước”.

Hơn 40 năm trước, khi hai vợ chồng ông cưới nhau chỉ có 1 công đất được cha mẹ cho làm của hồi môn. Đôi vợ chồng trẻ cất căn… chòi ở tạm, rồi ba đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống túng quẫn hơn. Một công đất thời đó làm lúa đâu trúng như bây giờ, mỗi vụ lời ít lắm. Người vợ ông ở nhà lo cho con nhỏ, một mình ông bươn chải lo cho cuộc sống. Hễ ai kêu gì ông cũng làm, nhưng nghề chính lúc đó là cắt lúa mướn.

“Hễ người ta kêu thì tôi đi cắt lúa mướn bất kể trời mưa hay nắng. Thời đó, đỉa nhiều và con nào con nấy to bằng ngón tay cái, bị nó bu cắn đau rát, ngứa ngáy rất khó chịu nhưng vẫn phải làm. Hết vụ lúa thì quay sang đắp bờ, nhổ mạ, cấy lúa… Nói chung là làm quần quật cả năm trời ít có ngày nghỉ”, ông Thạch Thành kể lại.           

Dù chỉ học đến lớp 3 nhưng suy nghĩ của người đàn ông Khmer này khá tiến bộ. Ông cho rằng đồng tiền từ việc làm thuê rất vất vả mới có được, nếu tiêu xài hết thì không biết tới bao giờ mới khá lên nổi.

Do đó, vợ chồng ông tính với nhau tiền làm thuê mà ông kiếm được sẽ chia làm hai phần, một phần lo cho sinh hoạt trong gia đình và một phần bỏ ống heo. “Mỗi bữa cơm chỉ tốn gạo nấu, chứ ở nông thôn thì vườn rau, ao cá mặc sức mà ăn. Bữa nào không đi ruộng là tôi đi làm thuê hoặc đánh bắt cá đồng. Việc tiêu xài hàng ngày được hai vợ chồng tính toán kỹ lưỡng, có quy định hẳn hoi là xài bao nhiêu tiền, không được phép xài lố”, ông Thạch Thành chia sẻ.

Nhờ tính toán kỹ nên dần dà vợ chồng ông tích lũy được một số vốn kha khá. Cách đây hơn 10 năm, họ mua thêm 2 công đất, mỗi công 9 chỉ vàng. Cách đây hơn 1 năm, ông Thạch Thành bàn với vợ bỏ tiền cất căn nhà rộng rãi, khang trang trị giá khoảng 400 triệu đồng. Theo lão nông này thì đó không phải là sự lãng phí hoặc khoe khoang, chỉ muốn có nơi ở thoải mái để dưỡng già. Âu đó cũng là nguyện vọng chính đáng, bởi hai vợ chồng ông đã vất vả làm lụng mấy chục năm rồi còn gì!

“Người nông dân muốn đổi đời thì chắc chắn phải cần có đức tính cần, kiệm, thiếu một trong 2 cũng không được. Bởi nếu cần cù mà không biết tiết kiệm thì bao nhiêu của cải làm ra cũng bị tiêu tan, còn thiếu tính cần cù coi như cái nghèo sẽ đeo bám mãi. Cả cuộc đời tôi đã thực hiện cần, kiệm theo lời Bác Hồ dạy nên mới có cuộc sống như ngày nay”, ông Thạch Thành quả quyết.

Trở về thực tại, điều hai vợ chồng già này vui nhất là nhìn thấy hai trong ba đứa con đã yên bề gia thất và có thể tự nuôi sống bản thân. Giờ đây, khi tuổi xế chiều, cuộc sống không còn vất vả như trước nhưng ông vẫn miệt mài đi làm thuê, vì ở nhà rảnh rỗi là ông không chịu nổi.

Người dân xứ này ai cũng quý đức tính hiền lành, tốt bụng trong đối nhân xử thế của ông Thạch Thành. Ông tham gia Ban quản trị chùa Khmer ở ấp, thường xuyên phối hợp, tiếp sức cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là khuyên nhủ những người trẻ phải biết cần, kiệm để có cuộc sống khấm khá như cách mà ông đã làm để đổi đời. Với giọng hát nồng ấm, ông còn là một “cây văn nghệ” phục vụ cho các lễ hội tại chùa cũng như các chương trình văn nghệ ở địa phương…

Ông Nguyễn Sử Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, cho biết: “Từ nghèo khó, ông Thạch Thành đã nỗ lực làm ăn để vươn lên làm giàu chính đáng. Gia đình ông còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và sống gần gũi, hòa đồng với xóm giềng”.

Qua trường hợp của ông Thạch Thành để thấy, chỉ cần mỗi người chúng ta biết sống cần, kiệm như lời Bác Hồ dạy thì cuộc đời này sẽ tươi đẹp biết bao!

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, huyện Vị Thủy đã biểu dương, khen thưởng tại huyện cho 20 tập thể, 110 cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện chỉ thị. Đề nghị về tỉnh khen thưởng 3 tập thể, 11 cá nhân; Đảng bộ huyện đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về kết quả thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>