Phụ nữ chung sức, chung lòng phòng, chống dịch Covid-19

13/08/2021 | 09:11 GMT+7

Từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, các cấp hội LHPN trong tỉnh rất tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phát huy tốt vai trò của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong công tác phòng, chống, góp phần đẩy lùi đại dịch.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thùy Linh (ảnh), Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN nữ tỉnh, thông tin cụ thể:      

- Các cấp hội LHPN trong tỉnh luôn bám sát các chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để ban hành kịp thời, đầy đủ văn bản chỉ đạo, định hướng.

Nhằm phát huy cao độ hiệu quả công tác tuyên truyền, chúng tôi đã linh hoạt chọn phương thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội. Hội LHPN tỉnh và các cấp hội đều thành lập các nhóm zalo và trang facebook để đăng tải kịp thời nội dung tuyên truyền theo chỉ đạo. Đặc biệt, cán bộ hội cơ sở dành 100% thời gian cho công tác phòng, chống dịch, tích cực “đi hết ấp, gặp hết phụ nữ” để tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tranh thủ tập hợp hội viên nòng cốt cùng thực hiện công tác tuyên truyền tại cơ sở.

Đến nay ghi nhận đại đa số hội viên, phụ nữ và Nhân dân ý thức rất cao trong phòng, chống dịch bệnh và chấp hành tốt các quy định tại địa phương.

Là tổ chức đoàn thể có nhiều mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, bà có thể cho biết cụ thể ?

- Đó là Hội LHPN tỉnh tổ chức Lễ ra quân hỗ trợ phụ nữ và người dân gặp khó khăn trong mùa dịch - phối hợp với Sở Công thương, Siêu thị Co.opMart Vị Thanh và vận động kinh phí tổ chức “Gian hàng 0 đồng” tặng 800 phần quà (mì, sữa và nhu yếu phẩm) trị giá trên 146 triệu đồng; là hoạt động vận động xã hội hóa kinh phí mua nông sản, thực phẩm tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương 7,5 tấn. Cán bộ, công chức Hội LHPN tỉnh còn tranh thủ giờ nghỉ trưa làm kính ngăn giọt bắn, nấu nước mát, xôi, bánh chuối… tặng các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân...

Các cấp huyện hội thì có các mô hình phòng, chống dịch hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Nổi bật là “Gian hàng 0 đồng”, Gian hàng tình thương “Ai thừa thì cho - Ai thiếu thì nhận”, “Gian hàng nhân ái”, “Bếp ăn mùa Covid”, “Suất cơm nghĩa tình”; tổ chức nấu cơm, làm các loại bánh tặng cán bộ, chiến sĩ trực các chốt kiểm soát dịch; thành lập các mô hình làm kính ngăn giọt bắn; thành lập tổ đi chợ hộ; tham gia trực đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm cách ly tập trung…

Thống kê đến nay, toàn tỉnh phối hợp vận động tặng 152.868 khẩu trang, 1.733 chai sát khuẩn, 6.251 kính chống giọt bắn và phát hơn 48.000 tờ rơi; nấu trên 3.587 suất cơm, tặng 25,6 tấn gạo, 19,8 tấn rau, củ, quả, 4.965 đòn bánh tét, bánh lá dừa, bánh ú, tặng 12.354 phần quà, tổng trị giá 3 tỉ 961 triệu đồng, hỗ trợ sinh kế 151 chị với số tiền 509 triệu đồng; đóng góp 80 triệu đồng vào Quỹ phòng, chống Covid-19.

Dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hội viên, phụ nữ, xin bà cho biết các hoạt động hỗ trợ chị em khó khăn trong đợt dịch này được thực hiện như thế nào ?

- Chúng tôi cũng tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hội viên, phụ nữ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Về lâu dài, các cấp hội vẫn tiếp tục duy trì việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ từ nguồn tiết kiệm: thông qua các mô hình tổ hùn vốn, nhóm phụ nữ tiết kiệm… Đồng thời, phối hợp với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động nguồn lực khác để hỗ trợ vốn vay cho chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Thưa bà, tới đây, các cấp hội sẽ tiếp tục làm gì để góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời linh hoạt chuyển đổi hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương cũng như khuyến cáo của ngành y tế bằng các hình thức như: xây dựng video clip truyền thông đăng tải trên zalo, facebook và cổng thông tin điện tử của Hội.

Tiếp tục tham gia phục vụ hậu cần, hỗ trợ các khu cách ly, chốt kiểm soát dịch bệnh ở địa phương. Thực hiện mô hình “Sổ vàng tình nguyện mùa dịch” vận động xã hội hóa để hỗ trợ cho phụ nữ khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với hội viên, phụ nữ trong điều kiện sản xuất gặp khó khăn, nhất là tìm hướng đi, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ…

Xin cảm ơn bà !                    

MỸ AN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>