Hiệu quả “Chị khá giúp chị nghèo”

03/08/2021 | 08:39 GMT+7

Cụ thể hóa chỉ tiêu giảm nghèo tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đầu năm 2020 đến nay, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) cấp xã trong tỉnh đã tổ chức nâng chất, ra mắt thêm các mô hình “Chị khá giúp chị nghèo”.

Thành viên mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn luôn đồng hành, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

Cách nay hơn 1 năm, mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, được thành lập với 8 thành viên. Tham gia có một số chị hội viên, phụ nữ điều kiện kinh tế khá giả và một vài chị thuộc diện khó khăn, nghèo, cận nghèo.

“Mục đích hoạt động như tên mô hình, cụ thể ngoài việc hùn vốn cho mượn, chị khá còn cho chị nghèo mượn con giống, cây giống, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để cùng nhau phát triển kinh tế”, bà Nguyễn Thị Thu Ngân, Chủ nhiệm mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” ở ấp 3, cho biết.

Tham gia mô hình từ những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Huyền nhận thấy rõ lợi ích tích cực. “Trước đây, tôi chủ yếu đi làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống, tuy nhiên tuổi ngày càng cao, sức khỏe không đảm bảo nên cũng muốn ở nhà chăn nuôi ổn định hơn. Nhờ vào mô hình tôi được các chị cho mượn vốn xây chuồng nuôi heo, làm dịch vụ đan lục bình tại nhà, nhờ vậy kinh tế gia đình ổn định hơn”, bà Huyền cho biết.

Từ 4 con heo ban đầu, đến nay gia đình bà Huyền đã nhân đàn lên với 1 heo mẹ và 7 heo con. Lứa heo đầu tiên bà xuất bán đã trả vốn mượn và lấy lại tiền đầu tư con giống. Lứa heo con hiện tại bà Huyền dự định nuôi và tiếp tục tái đàn mở rộng quy mô.

Có được cuộc sống ổn định, mới đây bà Huyền đã giúp đỡ cho một hội viên khác thuộc diện cận nghèo về cách làm ăn. “Tôi bán chịu cho chị gần nhà cặp heo con để nuôi, khi nào xuất bán mới lấy lại tiền con giống. Trong thời gian chờ chị mượn vốn của mô hình để làm chuồng, tôi cũng cho chị nuôi nhờ trong chuồng heo nhà mình”, bà Huyền kể.

Theo các thành viên, cái hay của mô hình này là ngoài việc hỗ trợ vốn giúp nhau, các chị còn có sự gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm. Mỗi khi thành viên nào gặp khó khăn trong cuộc sống thì các thành viên còn lại đều nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ bằng mọi hình thức từ vật chất đến tinh thần. Mặt khác, tham gia mô hình, các chị còn thi đua nhau chí thú làm ăn, từ đó cuộc sống thêm ổn định.

“Qua hơn 1 năm thành lập mô hình, chúng tôi đã kết nạp thêm 8 thành viên mới. Lần sinh hoạt tới, dự kiến mô hình sẽ tăng thêm 4 thành viên nữa, nâng tổng số thành viên là 20. Thời gian đầu mô hình thành lập có một chị thuộc diện nghèo, đến nay chị đó đã lên cận nghèo. Ngoài ra, nhờ đồng vốn mượn xoay xở chi phí mua thức ăn, con giống chăn nuôi nhỏ mà nhiều chị có kinh tế eo hẹp nay cũng từng bước khá hơn”, bà Ngân phấn khởi chia sẻ thêm.

Thấy hiệu quả thiết thực, Hội LHPN thị trấn Vĩnh Viễn vừa nhân rộng mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” ở ấp 4, với 10 thành viên. Bà Phạm Thị Thu Phượng, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn, cho biết: “Hiện nay, hội có 14 hội viên thuộc hộ nghèo. Để kéo giảm tỷ lệ nghèo trong hội viên, chúng tôi chọn những địa bàn thích hợp cho nhân rộng mô hình trên để các chị cùng nhau nỗ lực giúp nhau vươn lên ổn định cuộc sống. Bằng nhiều hình thức giúp đỡ tận tình, tin rằng trong thời gian tới, số hội viên nghèo từng bước thoát nghèo bền vững”.

Không riêng huyện Long Mỹ thành lập mô hình mà hiện nay trên địa bàn tỉnh, hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các cơ sở hội ra mắt mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” để phát huy tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau vượt khó trong hội viên.

Cách nay vài tuần, mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” ở khu vực 4, phường IV, thành phố Vị Thanh, vừa ra mắt. Bà Dương Thanh Hương, Chủ nhiệm mô hình, cho biết: “Chúng tôi có 10 thành viên, trong đó có 2 chị thuộc hộ nghèo. Thực hiện mô hình, chúng tôi đã hùn tiền trao mỗi chị mượn 5 triệu đồng làm vốn trồng rau, nuôi gà, vịt… Chúng tôi phân công rất rõ 5 chị khá giúp 1 chị nghèo. Hy vọng, trong vòng 1 năm các chị sẽ vượt lên thoát nghèo”.

Hiện nay, hội LHPN các xã, phường trên địa bàn thành phố đều triển khai thực hiện mô hình “Chị khá giúp chị nghèo”. Bình quân mỗi mô hình có từ 10-12 thành viên, trong đó có khoảng 2 hộ nghèo được các chị khá giả hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên.

Theo Hội LHPN tỉnh, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống, các cấp hội phụ nữ tỉnh nhà không ngừng phát huy nội lực, khả năng sáng tạo, cách làm hay, vai trò kết nối, khai thác các nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ. Cụ thể là chuyển đổi, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thông qua việc duy trì và phát huy hiệu quả các loại hình tiết kiệm tại chi, tổ hội, giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn không lấy lãi hoặc vay lãi suất thấp để sản xuất, kinh doanh. Duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, giúp nhau liên kết, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của nhau; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đặc biệt với mô hình “Chị khá giúp chị nghèo”, đã trực tiếp tác động đến nhận thức của chị em bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà phải bằng nội lực, tự nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng...

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>