Chương trình “1 triệu sáng kiến” - Phát huy tinh thần sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch

07/07/2022 | 07:54 GMT+7

Trong tổng số 19.061 sáng kiến đã đăng nộp ở giai đoạn 1 chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” của tỉnh, có nhiều sáng kiến tiêu biểu được cấp có thẩm quyền công nhận và đang áp dụng vào thực tế có chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội.

Các cá nhân có sáng kiến tiêu biểu được tặng bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh.

Để kịp thời ghi nhận, biểu dương những điển hình tiêu biểu trong thực hiện chương trình ở giai đoạn 1, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tặng bằng khen cho 24 tập thể có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia và sớm vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đồng thời, xét tặng bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh cho 26 cá nhân có sáng kiến tiêu biểu được ghi nhận và đang áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao.

Những cá nhân điển hình, tiêu biểu

Chị Nguyễn Thị Giọn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Lạc Tỷ II, ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, là một trong số những cá nhân tiêu biểu đó. Với sáng kiến “Công đoàn vì gia đình người lao động” của chị không chỉ góp phần giữ chân người lao động mà còn đem lại giá trị làm lợi đáng kể cho doanh nghiệp. Theo chị Giọn, sau đại dịch, công tác tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc khôi phục sản xuất, kinh doanh tại đơn vị.

Trước những thách thức đó cũng như xác định tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp, chị đề xuất ý tưởng thực hiện sáng kiến của mình bằng những giải pháp thiết thực. Cụ thể, tại buổi họp mặt nhân dịp phát động hưởng ứng Tháng công nhân năm nay, công ty đã trao tặng mỗi gia đình người lao động một phần quà trị giá 500.000 đồng. Mặt khác, thực hiện các chính sách phúc lợi và đãi ngộ cho người lao động cũ khi giới thiệu người mới vào làm tại công ty.

Ngoài ra, đề xuất khen thưởng cho các cá nhân có thời gian gắn kết lâu dài với công ty; phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp đến thăm gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo… “Khi chưa có sáng kiến ra đời, số lao động thôi việc rất cao, hơn 4.400 người. Tuy nhiên, sau 3 tháng sáng kiến đi vào thực tiễn thì số lao động nghỉ giảm rõ rệt, khoảng 1.076 người; còn số lao động ở lại công ty làm việc hơn 1.300 người”, chị Giọn minh chứng.

Tương tự, xuất phát từ thực trạng một số môn khoa học tự nhiên thiếu trang thiết bị, giáo viên thường phải dạy “chay”, trong khi học sinh khó tiếp cận kiến thức mới nên thầy Lê Thanh Liêm, công đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam, đã nghiên cứu, sáng kiến ra giải pháp “Cải tiến đồ dùng dạy học”. Nhờ vậy mà góp phần phục vụ đắc lực trong công tác giảng dạy của giáo viên và thực hành cho học sinh ở các bậc học THCS, THPT trên phạm vi cả nước.

Bởi thông qua sáng kiến “Cải tiến đồ dùng dạy học” của mình, thầy Liêm đã cho ra đời các sản phẩm sáng tạo, làm gia tăng số lượng và chất lượng thiết bị phù hợp với tình hình mới. Đó là các thiết bị về đo nhiệt độ đa năng, chiều dài - thể tích và khối lượng đa năng, áp suất thông minh; bộ giá quang học cải tiến ứng dụng công nghệ IOT; các bộ thí nghiệm về tự do và dao động điều hòa của con lắc đơn, lực điện từ; các bộ thiết bị về trộn màu của ánh sáng, đo lực đẩy Archimedes.

Bên cạnh đó, thiết kế website học tập sáng tạo để tạo thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng trang thiết bị hiệu quả hơn, giúp học sinh và giáo viên tra cứu các thông tin cần thiết về thiết bị nhanh chóng hơn. “Giáo viên có thể tự mình truy cập website để tra cứu các thông tin phục vụ cho quá trình nâng cấp hoặc chế tạo mới thiết bị với chi phí thấp; còn học sinh tiếp nhận các kết quả thí nghiệm trực quan và chính xác hơn, phát huy năng lực tự học, tự chủ của các em”, thầy Liêm cho biết.

Khơi dậy tinh thần vượt khó, sáng tạo

Ông Võ Văn Hiền, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, cho rằng, thời gian qua, đơn vị luôn xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống, ổn định việc làm cho đoàn viên, người lao động; góp phần phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, đơn vị tích cực tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.

Bởi theo ông Hiền, chương trình “1 triệu sáng kiến” là chương trình rất hay, rất hiệu quả và rất trí tuệ nhằm khơi dậy tinh thần vượt khó sáng tạo trong công nhân lao động cũng như khơi dậy hoài bão, ý tưởng hay, mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp sau đại dịch. Do đó, kết thúc giai đoạn 1 của chương trình này, công đoàn viên, người lao động ở các công đoàn cơ sở trực thuộc đã đăng nộp hơn 3.350 sáng kiến, vượt trên 200% chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao.

Đáng ghi nhận là trong số hàng ngàn sáng kiến đó, có nhiều sáng kiến mang lại hiệu ứng thiết thực trong việc khôi phục lao động, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tiêu biểu như sáng kiến “Công đoàn vì gia đình người lao động” của chị Nguyễn Thị Giọn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Lạc Tỷ II; giải pháp lặt đầu tôm xuất khẩu nhanh chóng hơn; đóng gói sản phẩm đạt chất lượng, đẹp...

Còn theo ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch LĐLĐ huyện Châu Thành A, xác định chương trình “1 triệu sáng kiến” rất thiết thực, tạo cơ hội cho cán bộ, công chức, người lao động phát huy trí tuệ, công sức của mình trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đó, có nhiều sáng kiến được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thiết thực. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng theo lời Bác nói: “Lao động là sáng tạo, muốn có sáng tạo thì phải lao động”.

Vì vậy, khép lại giai đoạn 1 chương trình, toàn huyện Châu Thành A có 4.352 sáng kiến, đạt 1.192,33% chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao năm 2022. Trong đó có nhiều sáng kiến nổi bật như: “Ghế thông minh cho người già” của đoàn viên Nguyễn Minh Tường, Công đoàn cơ sở Trường THCS Võ Thị Sáu; “Lắp đặt hệ thống tưới tự động”, “Bồn nuôi lươn thương phẩm thông minh”, “Máy sát khuẩn thông minh đa năng”… của đoàn viên Nguyễn Phát To, Công đoàn cơ sở xã Trường Long Tây.

Điều đó cho thấy chương trình đã phát huy tính tích cực, sáng tạo của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động huyện Châu Thành A. “Các sáng kiến nổi bật trên đã được các cấp có thẩm quyền công nhận và áp dụng vào thực tế, mang lại giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với kết quả đạt được, đơn vị đã góp phần vào thành tích chung của tỉnh trong tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động ở giai đoạn 1”, ông Hóa khẳng định.

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>