Giáo viên dạy nghề sáng tạo

13/07/2022 | 09:22 GMT+7

Khắc phục khó khăn trong việc thiếu trang thiết bị dạy nghề, giáo viên dạy nghề ở các trường cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo nhiều thiết bị giảng dạy giúp việc học nghề trở nên sinh động.

Thầy, cô ở các cơ sở GDNN đã chủ động sáng tạo ra nhiều thiết bị đào tạo tự làm để hỗ trợ cho công tác giảng dạy.

Đứng yên sẽ tụt hậu

Khắc phục nhược điểm chưa mang lại hiệu quả cao trong khai thác giảng dạy của các mô hình đã có trước đó đối với nghề điện công nghiệp, thầy cô Khoa điện - điện tử, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, nghiên cứu sản phẩm Bàn thực hành PLC S7-200. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Khối, giảng viên Khoa điện - điện tử, một trong những tác giả sáng tạo thiết bị, chia sẻ: “Một trong những thiết bị có công nghệ tiên tiến, có tính ứng dụng cao được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng là thiết bị khả trình PLC. Mặc dù trường có trang bị một số mô hình thực hành PLC để khoa đưa vào giảng dạy, nhưng hiệu quả giảng dạy ở các thiết bị này chưa cao, do mô hình chỉ được chế tạo ở dạng thí nghiệm, chưa có các thiết bị ngoại vi để học viên thực hành, các mô đun rời rạc, cồng kềnh, rất khó di chuyển xuống địa phương. Từ thực tế đó, nhóm tác giả chúng tôi đã làm nên thiết bị “Bàn thực hành PLC S7-200”, do thiết bị được tích hợp nhiều bộ điều khiển, nên có thể sử dụng giảng dạy nhiều mô đun ở nghề điện công nghiệp rất hiệu quả”.

Khác với các thiết bị, mô hình đã có trước đó, “Bàn thực hành PLC S7-200” tích hợp được nhiều bộ điều khiển và cơ cấu chấp hành, có thể tăng tính đa dạng cho việc xây dựng các bài tập và nâng cao hiệu quả sử dụng. Bàn thực hành được chế tạo tích hợp 2 khối riêng biệt là: khối điều khiển và khối cơ cấu chấp hành. Mỗi khối được chia thành nhiều mô đun ứng dụng khác nhau nhằm đáp ứng các bài tập thực hành. Thiết bị được ứng dụng cho học sinh, sinh viên, giảng viên học tập và giảng dạy thực hành các bài tập trong chương trình đào tạo mô đun PLC cơ bản, nâng cao và một số môn học, mô đun có liên quan của nghề điện công nghiệp.

Cũng khắc phục khó khăn trong việc giảng dạy nghề điện công nghiệp ở trình độ sơ cấp và trung cấp, thầy Trần Ngọc Thái Bình, giáo viên dạy nghề ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành, cho ra mắt mô hình điều khiển từ xa đa năng. “Dù chỉ giảng dạy ở trình độ sơ cấp và trung cấp, đối tượng học viên không nhanh nhạy bằng các em học sinh, nhưng để người học có thể ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế tốt nhất, đòi hỏi giáo viên phải có liên kết giữa lý thuyết và thực hành. Bản thân tôi đã chủ động nghiên cứu thực hiện mô hình điều khiển từ xa đa năng, với ưu điểm dễ dàng thực hành trên lưới điện 3 pha và 1 pha. Mô hình có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, dân dụng…”, thầy Bình bày tỏ.

Nắm bắt lợi thế của công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, mô hình điều khiển từ xa đa năng của thầy Bình có thể ứng dụng ngay vào thực tế, lắp đặt ở trang trại, thiết bị máy công nghiệp, thiết bị phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp (hệ thống tưới tiêu, hệ thống đèn điều khiển từ xa qua điện thoại bằng sóng wifi)… Bên cạnh điều khiển bằng remode, mô hình còn có thể ghép nối với mạch điều khiển với điện thoại thông minh bằng sóng wifi.

Cầu nối giữa thực tiễn và đào tạo

Với học viên các lớp dạy nghề sơ cấp của nghề bảo trì và sửa chữa xe máy, việc chỉ được thực hành trên một số thiết bị mô hình không khỏi khiến các giờ học bị nhàm chán. Thấu hiểu vai trò lớn của thực hành, thầy Lê Vũ Bảo, giáo viên dạy nghề ở Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Long Mỹ, đã chế tạo ra mô hình mô phỏng nguyên lý hoạt động động cơ xe máy. Thầy Bảo bộc bạch: “Mô hình mô phỏng nguyên lý hoạt động động cơ trên xe dream, wave mô phỏng quá trình hoạt động của động cơ đốt trong 4 thì. Thiết bị tự làm này có thể dùng để nhận biết cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ; đồng thời, dùng cho việc sửa chữa các hư hỏng giúp người học dễ nhận biết, dễ học, dễ sử dụng. Thiết bị còn có thể phát triển lên các mô hình khác dễ dàng, khá tiết kiệm chi phí”.

Theo thầy Bảo, đa phần các lớp dạy ở trung tâm thường đặt ở các xã, phường, nên việc vận chuyển các thiết bị để giảng dạy cho người học gặp rất nhiều khó khăn. Việc chế tạo các thiết bị, mô hình nhỏ gọn nhưng mang tính ứng dụng cao rất cần thiết. Thầy Bảo chia sẻ thêm: “Việc tự làm các mô hình, thiết bị đào tạo để góp phần hỗ trợ cho công tác giảng dạy, ngoài giúp học sinh vận dụng nhanh lý thuyết vào thực tiễn, mà còn giúp giáo viên chủ động để nâng cao chất lượng hơn. Thiết bị đào tạo tự làm thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng GDNN. Đây là một phần không thể thiếu trong các cơ sở GDNN và việc phát động phong trào nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo tự làm phù hợp với yêu cầu phát triển của GDNN trong giai đoạn hiện nay”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trường cao đẳng, 7 trung tâm GDNN. Những năm gần đây, quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN bắt đầu tăng, khi một lượng lớn học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT đã quan tâm nhiều hơn đến việc học nghề, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng nghề nghiệp với số lượng lớn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách không thể đáp ứng hết nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở GDNN. Ở nhiều trường, số giờ thực hành còn thấp, ảnh hưởng đến việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Vì vậy, chế tạo các thiết bị tự làm phục vụ cho việc dạy và học, được đặt ra như một nhiệm vụ chuyên môn, có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo của các cơ sở GDNN.

Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Việc tự làm các thiết bị đào tạo được ứng dụng trên lớp giúp học sinh tiếp cận kiến thức, kỹ năng tay nghề nhanh chóng và hiệu quả hơn so với việc “dạy chay”, nặng về lý thuyết hơn thực hành. Trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, việc sáng chế thiết bị đào tạo cũng là yếu tố góp phần không nhỏ cho sự thành công của cơ sở đào tạo.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>