Dừng đến trường, không dừng việc học

21/10/2021 | 17:37 GMT+7

Thích nghi, chủ động, đa dạng với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” được thực hiện ở năm học này, nhưng học online cũng không hề dễ.

Học trực tuyến có sự hỗ trợ của phụ huynh, giúp giờ học thêm hiệu quả.

Bài 1: Thích nghi và thách thức

Mỗi trường học mỗi cách làm nhưng chung một mục tiêu là biến khó khăn thành cơ hội để học sinh và giáo viên chủ động đổi mới, dạy và học hiệu quả trong đại dịch. Từ học trực tuyến, đã gợi ra nhiều câu chuyện thích nghi và thách thức.

Thầy trò cùng chủ động, thích nghi

Cứ đến 7 giờ, em Trần Huy Ngọc, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Châu Văn Liêm, thành phố Vị Thanh, tự giác ngồi vào bàn học trực tuyến. Ngọc chia sẻ: “Tuần học đầu tiên, em rất ngán học, vì kết nối phần mềm của em với giáo viên bị lỗi hoài, lần đầu học trực tuyến em chưa quen, ngại phát biểu nên không tiếp thu bài được nhiều. Nhưng sau 3 tuần, giờ em đã quen và chủ động trong học tập, thấy rất hay, hình ảnh minh họa, dẫn chứng sinh động”.

Để đảm bảo chất lượng các buổi học trực tuyến, trước mỗi giờ học, ban giám hiệu các trường, giáo viên chủ nhiệm đều có mặt tại “phòng học ảo” để kiểm tra số lượng học sinh, kịp thời gọi điện cho phụ huynh, đề nghị nhắc nhở các em vào học đúng giờ, phối hợp quản lý con em trong quá trình học. Ông Trịnh Anh Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Quan tâm, đầu tư nâng cấp phòng học hiện đại kịp thời, nâng cấp đường truyền mạng tận các lớp học, sử dụng máy tính có cấu hình mạnh là giải pháp được nhà trường thực hiện, dạy trực tuyến tại trường có bảng đen để giảng giải bài tập, có thiết bị hiện đại… giờ học như trực tiếp, học sinh và giáo viên tương tác khá ổn”.

Chủ động thích nghi, thay đổi phương pháp, đổi mới bài giảng khi dạy online phù hợp. Thầy Nguyễn Hồng Thuận, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1, Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tôi đầu tư thiết kế lại bài giảng toàn bộ, ngắn gọn, trọng tâm kiến thức, khai thác thêm các video, các tranh ảnh, sử dụng trình chiếu các powerpoint lạ mắt, sinh động để học sinh học tập nhẹ nhàng, thoải mái”.

Khá vất vả khi phải chuẩn bị đủ thiết bị giảng dạy trực tuyến vừa phải quản lý lớp chủ nhiệm, hỗ trợ học sinh kết nối mạng, vừa phải cân bằng mọi cảm xúc khi lớp học quá ồn. Tuy nhiên, nhiều giáo viên khẳng định, nhờ vậy mà chuyên môn của mình được nâng lên.

Nhiều phụ huynh đã đồng hành cùng con trong các giờ học, bà Bùi Thị Ngọc Chánh, phụ huynh học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Vị Thanh, thổ lộ: “Tôi ngồi kế bên nhắc nhở, lúc nào con lơ đãng thì khuyến khích con tập trung học, treo phần thưởng sau giờ học là một ly kem, kẹo... cho con ham học”.

Thách thức khi học online

Khó khăn nhất khi học online là nỗi lo nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học trực tuyến. Em Võ Thanh Trúc, học sinh lớp 10CB4, Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Cha em mất sớm do bệnh, nhà chỉ có 1 công ruộng. Một mình mẹ phải đi làm thuê làm mướn, lo 2 chị em ăn học. Thấy mẹ cực nhọc, em không dám xin mẹ mua điện thoại thông minh để học. Từ đầu năm học đến nay, hai chị em đều đi học ké nhà bạn”. Dù điều kiện học tập trực tuyến còn nhiều khó khăn, phải lội bộ hơn 1 cây số để đến nhà bạn học nhờ điện thoại nhưng hai em đều rất ham học. Trời mưa đường ruộng trơn trợt, nhiều khi về đến nhà người ướt sũng nhưng 2 chị em đều động viên nhau, ráng học để thay đổi tương lai.

Năm học 2021-2022, Hậu Giang huy động khoảng 160.000 học sinh. Trong đó có đến hơn 60.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có thiết bị học tập trực tuyến.

Mong chờ lắm Chương trình “Sóng và máy tính cho em” sớm triển khai để các em được hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến kịp thời, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 10CB4, Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Qua rà soát, lớp có 4 em chưa có thiết bị học trực tuyến, tôi đang áp dụng biện pháp ghép nhóm để học sinh có thiết bị học tập nhà ở gần hỗ trợ các em chưa có thiết bị học. Sớm có thiết bị hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn là điều giáo viên chúng tôi đang đợi”.

Khó khăn khi mạng chập chờn, tốc độ chậm, đường truyền không ổn định, khiến giáo viên khó dạy hấp dẫn. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hữu, huyện Châu Thành, cho biết: “Dù phụ huynh đã chủ động nâng cấp hệ thống internet nhưng do cùng đăng nhập một lúc nên thầy và trò vẫn bị rớt mạng nhiều, sử dụng 3G, 4G lại rất tốn kém kinh phí… Mạng chập chờn, học sinh bị “out” ra hoài, làm lớp khá ồn, tốn thêm thời gian kết nối lại, khiến bài giảng bị gián đoạn khá nhiều”.

Ngoài ra, thực trạng còn ở chỗ giáo viên thiếu thiết bị dạy học trực tuyến phải mượn máy nhà trường, nhiều trường học được trưng dụng làm khu cách ly y tế tập trung. Học sinh chưa ý thức tập trung vào việc học, còn để nước uống, bánh kẹo, thức ăn… trên bàn học dẫn đến nguy cơ không an toàn về điện khi sử dụng thiết bị điện tử học trực tuyến.

Đối với giáo viên lớn tuổi hạn chế trong sử dụng công nghệ thông tin, còn dạy một chiều, ít tương tác với học sinh; thiếu kho học liệu bài giảng điện tử cho học sinh khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Phụ huynh không có kỹ năng giảng dạy, thiếu kiên nhẫn, chưa hiểu tâm lý lứa tuổi và bị chi phối bởi công việc của mình. Nhiều phụ huynh thừa nhận dạy con một lúc mình cũng bị “bốc hỏa”, la mắng con là chuyện khó tránh…

Giáo viên Trường THPT Vị Thanh tăng cường tương tác với học sinh trong giờ dạy học trực tuyến.

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hậu Giang đã chuyển đổi hình thức dạy và học phù hợp thích ứng với tình hình dịch bệnh. Học sinh từ khối lớp 3 trở lên học trực tuyến, học sinh khối lớp 1 và lớp 2 học qua truyền hình. Ông Hồ Văn Bé Hai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “So với các cấp học khác, tiểu học là cấp học khá thiệt thòi khi chuyển sang hình thức học trực tiếp và qua truyền hình. Các em còn khá nhỏ, tâm lý ham chơi. Chúng tôi khuyến khích phụ huynh chịu khó sắp xếp ngồi học cùng con, để nắm bắt được năng lực và sức học của con trẻ, phối hợp cùng với nhà trường trong công tác đôn đốc hỗ trợ con học tập”.

 “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt”, ngành giáo dục và đào tạo quyết tâm thực hiện để mỗi tiết học trực tuyến hấp dẫn, tiết học chất lượng nhất. Nhưng đâu sẽ là cách làm hay, đột phá để nâng cao chất lượng giờ học, để phụ huynh hài lòng, xã hội yên tâm…?

Lấy khó khăn làm động lực phấn đấu !

 

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Ngành giáo dục và đào tạo đang nỗ lực thích ứng, nâng chất lượng dạy và học. Trong quá trình chuyển đổi phương thức giảng dạy, sẽ có nhiều khó khăn hạn chế, đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo vượt khó, chủ động sáng tạo và đổi mới, lấy khó khăn thành động lực phấn đấu. Nhà trường linh hoạt trong sắp xếp chương trình, giáo viên giảng dạy nhẹ nhàng, tạo tâm lý thoải mái; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh các em để chung tay hỗ trợ học sinh học tập hiệu quả, an toàn, chất lượng”.

 

 

 

Vì sao tỷ lệ học tập trực tuyến không thể đạt 100% ?

 

Cấp THPT có tỷ lệ học sinh học trực tuyến 91%, cấp THCS 71%, cấp tiểu học học trực tuyến và qua truyền hình 69%. Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nguyên nhân chính tỷ lệ học sinh học trực tuyến chưa cao là do tỉnh có đến hơn 60.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có thiết bị học tập trực tuyến (trong đó, cấp tiểu học có hơn 38.840 học sinh, cấp THCS trên 18.790 học sinh, cấp THPT và giáo dục thường xuyên hơn 2.490 học sinh).

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Bài 2: Trực tuyến hay trực tiếp thì chất lượng phải trên hết

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>