Chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo

19/07/2022 | 01:34 GMT+7

Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo bước đột phá trong công tác quản lý, giảng dạy.

Chuyển đổi số trong giáo dục đã mở ra cơ hội để ngành giáo dục đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong quản lý và giảng dạy.

Vì mục tiêu chung

Nằm ở trung tâm của huyện Vị Thủy, Trường Mầm non Họa Mi (thị trấn Nàng Mau), luôn chú trọng việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, giảng dạy. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trong công tác quản lý, thay vì thực hiện hồ sơ, sổ sách như trước, trường đã sử dụng phần mềm quản lý giáo dục, phần mềm cơ sở dữ liệu ngành… thông qua các phần mềm, việc quản lý đã được đơn giản hóa. Chương trình giảng dạy cũng được thực hiện thông qua giáo án điện tử, các tiết học ứng dụng công nghệ thông tin được giáo viên chú trọng… Dù ở cấp học mầm non, việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin không giỏi như những giáo viên chuyên trách ở bộ môn tin học, nhưng đa phần giáo viên ở trường đều thực hiện được, thao tác tốt trên giáo án điện tử cũng như một số phần mềm”.

Năm học vừa qua, nhằm đảm bảo kiến thức cho trẻ trong thời gian phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường chủ động ứng dụng công nghệ tương tác với phụ huynh để gửi các video bài cho trẻ học tại nhà. Nhờ vậy, khi trở lại trường học trực tiếp, trẻ bắt nhịp được chương trình học rất nhanh, nhất là các bé 5 tuổi.

Còn ở Trường THCS Trịnh Văn Thì (thị xã Long Mỹ), thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý và giảng dạy, đã góp phần làm tăng tỷ lệ giáo viên, học sinh tiếp cận các thiết bị công nghệ hiện đại. Ông Trần Thanh Nhã, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Về ứng dụng công nghệ trong quản lý, nhà trường đã phân công cán bộ phụ trách, trong đó khi ngành có tổ chức tập huấn về sử dụng các phần mềm nhà trường điều tạo điều kiện cho cán bộ này tham gia. Riêng về công tác giảng dạy, mỗi năm nhà trường đều đặt chỉ tiêu số tiết ứng dụng công nghệ thông tin, với khoảng 450 tiết/năm. Từ khi được hướng dẫn sử dụng phần mềm SMAS (nền tảng quản lý nhà trường), việc tính điểm cho học sinh nhanh và chính xác hơn, giáo viên không còn mất nhiều thời gian như trước”.

Trong các hoạt động hàng ngày, nhà trường tăng cường sử dụng zalo nhóm công việc, họp và tập huấn trực tuyến. Đội ngũ giáo viên tích cực sử dụng giáo án điện tử, nâng cao trình độ công nghệ thông tin.

Bắt kịp xu hướng

Thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xu thế tất yếu, Sở GD&ĐT tỉnh đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện. Trong đó, sở đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Đã có 63/65 TTHC cấp tỉnh của ngành cung cấp qua dịch vụ công mức độ 4. Việc ứng dụng phần mềm một cửa trong giải quyết TTHC đã tiết kiệm khá lớn thời gian giải quyết hồ sơ.

Sở GD&ĐT đã triển khai phần mềm quản lý trường học cho 100% cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT. Hơn 150 cơ sở giáo dục đã đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục do Bộ GD&ĐT cung cấp. 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã được kết nối internet cáp quang tốc độ cao và phủ sóng wifi để dạy học online. Trong tháng 5, sở còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc đồng bộ dữ liệu từ phần mềm tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT với hệ thống dịch vụ công của tỉnh. Hiện thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã đăng ký dự thi trực tuyến và cập nhật số căn cước công dân, định danh điện tử trên phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT nhằm phục vụ cho việc đồng bộ dữ liệu. Đặc biệt, chú trọng đến chuyển đổi số, hiện ngành giáo dục đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục…

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Sở GD&ĐT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến học sinh và phụ huynh, về việc thúc đẩy phát triển giáo dục trực tuyến, giáo dục điện tử trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung triển khai các ứng dụng chuyển đổi số trong nhà trường bao gồm: sổ liên lạc, học bạ điện tử, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu ngành, dạy học trực tuyến và triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT năm 2022-2025”… ngành cũng tiếp tục rà soát, cập nhật, trình công bố TTHC, danh mục TTHC thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4...”.

Để hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành, hiện Sở GD&ĐT tỉnh đang tập trung thực hiện việc thu thập, chuẩn hóa thông tin số định danh cá nhân của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý trong cơ sở dữ liệu về GD&ĐT để hoàn thiện và đồng bộ dữ liệu phụ huynh, người giám hộ của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục thông qua việc thanh toán không dùng tiền mặt, sở sẽ tổ chức tập huấn cho thầy cô và phụ huynh việc đóng học phí, bảo hiểm không dùng tiền mặt...

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đạt một số kết quả như: Thông qua nền tảng dạy học trực tuyến K12.Oneline đã có 356/364 cơ sở giáo dục tham gia; 1.889/4.825 giáo viên truy cập sử dụng và đăng tải 1.112 bài giảng, 1.205 bài kiểm tra với 27.782 câu hỏi được khởi tạo, 9.846 lớp học ảo được thiết lập. 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã được kết nối internet cáp quang tốc độ cao và phủ sóng wifi miễn phí. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 đạt 97%...

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>