30% học sinh không đỗ vào THPT sẽ đi đâu ?

20/05/2022 | 08:41 GMT+7

Những năm trước, chỉ tiêu đề ra là khoảng 80% học sinh hoàn thành chương trình THCS được tuyển vào các trường THPT, 20% còn lại sẽ được phân luồng tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học nghề, nhưng đã không đạt, vậy với tỷ lệ 30% của năm nay, công tác phân luồng có khả quan ?

Để thu hút người học, các trung tâm GDNN - GDTX, trường nghề trên địa bàn đã chủ động nâng cao chất lượng dạy học.

Bài 1: Lại chuyện phân luồng

Phân luồng không phải “ép” các em không được học tiếp THPT, mà chính là cách tạo thêm cơ hội, mở thêm cánh cửa mới cho học sinh không đỗ vào lớp 10 sau tuyển sinh, giúp các em có cơ hội học nghề, học văn hóa tiếp tục, định hướng rõ là vậy nhưng chuyện phân luồng còn rất nhiều điều: Biết rồi, khổ lắm nói mãi !

Số lượng học sinh lớp 10 sẽ giảm so với các năm học trước

Để đẩy mạnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, tuyển sinh lớp từ hình thức xét tuyển đã dần được thay thế bằng hình thức thi tuyển và năm nay cả 22 trường THPT đều thi tuyển.

Trường THPT Vị Thủy (huyện Vị Thủy), chủ động nắm danh sách học sinh lớp 9 ở trường: THCS Ngô Quốc Trị, THCS Vị Thắng, THCS Vị Thủy và THCS Vĩnh Thuận Tây, để phục vụ tuyển sinh. Ông Lê Duy Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Qua rà soát số liệu học sinh lớp 9 sẽ tốt nghiệp THCS trong năm học 2021-2022, dự kiến chúng tôi sẽ tuyển sinh 70% học sinh sau THCS ở các trường, với khoảng 430 em cho năm học 2022-2023. Từ việc xác định chỉ tiêu ngay từ sớm như thế này, các trường THCS có thể xem xét khả năng học sinh lớp 9 ở các lớp để tư vấn, giúp các em lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS”.

Nhằm thực hiện tốt công tác phân luồng, Ban Giám hiệu Trường THPT Hòa An (huyện Phụng Hiệp) cũng tăng cường phối hợp với các trường THCS trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh. Ông Phạm Ngọc Thuần, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Hàng năm, đầu cấp lớp 10 trường sẽ tuyển khoảng 200 học sinh ở Trường THCS Tây Đô thuộc huyện Phụng Hiệp, Trường THCS Trịnh Văn Thì và Trường THCS Long Trị thuộc thị xã Long Mỹ. Những năm trước, đối với các lớp 10 chúng tôi  thường tuyển hơn 80% học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng theo chỉ đạo, năm nay chỉ tuyển 70% sau tốt nghiệp THCS. Với chỉ tiêu này, số lượng học sinh ở các lớp 10 năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm. Khoảng 2 năm nay, công tác tuyển sinh được quản lý trên phần mềm, nên việc phân luồng ở các trường THPT được thực hiện quyết liệt hơn so với trước, không còn tình trạng tuyển thêm khi đã đủ chỉ tiêu”. 

Những năm trước đây, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 ở các trường THPT gần như tương đương với số lượng học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn, đa phần các em học sinh sẽ lựa chọn thi vào lớp 10 trường THPT. Chỉ một số ít học sinh không vào được trường THPT mới chuyển sang học văn hóa ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) hoặc học nghề.

Có chọn học nghề nếu không đỗ vào các trường THPT ?

Nếu 70% học sinh sau tốt nghiệp THPT đã được phân luồng vào trường THPT, vậy 30% còn lại, các em có lựa chọn học nghề hay không? Đây là bài toán khó được đặt ra sau phân luồng.

Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX, chia sẻ: “Nếu các trường THPT đã quyết liệt phân luồng để chỉ tuyển 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học lớp 10, thì đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, cái khó nhất của chúng tôi là số lượng 30% sau phân luồng của các trường không có đơn vị nào quản lý, các em sau khi biết kết quả thi tuyển lớp 10 có thể đến trường THPT rút hồ sơ bất kỳ lúc nào. Vì vậy, trung tâm thường không nắm được cụ thể, muốn tư vấn để các em tham gia học văn hóa ở hệ GDTX hay học nghề đều rất khó”.

Trước đây, để tuyển sinh được số học sinh sau tốt nghiệp THCS không thi đỗ vào lớp 10 THPT, khi các em đã rút hồ sơ tại trường, thông qua danh sách, cán bộ tư vấn tuyển sinh ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành A xuống tận nhà để tư vấn, vận động các em này học tập tại trung tâm. Tuy nhiên, cách làm này không mang lại hiệu quả cao, vì khi đã rút hồ sơ khỏi trường THPT, các em thường theo gia đình đi làm ăn xa hoặc đăng ký học ở các trường ngoài địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Khi đã phân luồng quyết liệt, chúng tôi rất mong ngành giáo dục sẽ có sự hỗ trợ để các cơ sở GDNN - GDTX tuyển sinh đạt chỉ tiêu. Mấy năm nay, trung tâm đa phần chỉ tuyển sinh học sinh đã nghỉ học lâu, còn các em mới học xong lớp 9 không đỗ vào THPT đăng ký học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ý kiến cá nhân tôi, trong đơn đăng ký tuyển sinh lớp 10, sau các nguyện vọng vào trường THPT trên địa bàn, nguyện vọng cuối cùng có thể để các em đăng ký vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, khi hồ sơ được các trường loại ra, sẽ được chuyển sang các trường có nguyện vọng tiếp theo mà các em đã đăng ký, khi học sinh đến rút hồ sơ ở nguyện vọng cuối cùng, chúng tôi có thể tư vấn việc học tiếp theo cho các em”.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, toàn tỉnh chỉ tuyển tối đa 70% học sinh đã hoàn thành chương trình học lớp 9 vào học các trường THPT, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. So với kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học trước, đã giảm 10% tỷ lệ học sinh được tuyển vào học các trường THPT. 30% học sinh còn lại sẽ được phân luồng đi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp hoặc học tại các trung tâm GDNN - GDTX tại 8 huyện, thị, thành phố.

Phân luồng không phải “ép” các em không được học tiếp THPT, mà chính là cách tạo thêm cơ hội, mở thêm cánh cửa mới cho các em không đỗ vào lớp 10 sau tuyển sinh, có cơ hội học nghề, học văn hóa tiếp tục. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành giáo dục, khó khăn trong công tác phân luồng hiện nay là nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh và cả trong ngành giáo dục còn chưa rõ về công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng, chủ yếu là thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh. Nhu cầu của cha mẹ cho con học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng vẫn còn thấp. Chưa xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Việc mở ngành nghề đào tạo của các trường đào tạo chưa chú ý đến nhu cầu nhân lực, chưa kiểm soát được chất lượng; việc mở ngành còn chưa gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội…

22 trường THPT tại tỉnh đều tổ chức thi tuyển vào lớp 10

 

(HG) - Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tới, cả 22 trường THPT trong địa bàn tỉnh đều tổ chức tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển. Điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 tại các trường: học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hậu Giang và có đủ hồ sơ hợp lệ. Riêng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh áp dụng 2 hình thức: thi tuyển và xét tuyển (xét tuyển vào lớp 10 đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, với 2 lớp và thi tuyển với 2 lớp 10 dành cho học sinh dân tộc Kinh, đây là điểm mới trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của trường, đối tượng tuyển sinh như thí sinh thi tuyển vào các trường THPT).

Thời gian các trường tổ chức thi tuyển vào ngày 16 đến 18-6 tới. Thi tuyển 3 môn: toán, tiếng Anh và ngữ văn.

 

 

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” định hướng ra sao ?

 

- Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 522, phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đặt chỉ tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Bài 2: Lúng túng tuyển sinh vào lớp 10

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>