Xây dựng cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

21/08/2018 | 08:01 GMT+7

Đó là nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm từ lúc thành lập tỉnh đến nay. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ của tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng...

Bài 1: Không còn “thiếu về lượng, yếu về chất”

Thời điểm thành lập tỉnh năm 2004, Hậu Giang có xuất phát điểm thấp về nguồn lực cán bộ khi thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Cụ thể, toàn tỉnh chỉ có 1 tiến sĩ, 24 thạc sĩ và 3.342 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học. Từ thực tế đó, tỉnh đã tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm củng cố, nâng chất nguồn lực cán bộ.         

Chị Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Ông Trần Quốc Khởi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vị Thanh, cho biết, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đặc biệt quan tâm. Trong đó, đã chủ động cử cán bộ đi học các lớp khi có chiêu sinh; cử cán bộ đi đào tạo gắn với quy hoạch.

“Nhờ vậy, công tác cán bộ trên địa bàn thành phố thời gian qua đạt được những kết quả quan trọng. Số cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng nhiều. Từ năm 2015-2018, thành phố cử 683 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo về lý luận chính trị; đồng thời cử đào tạo sau đại học 4 trường hợp, đại học 6 trường hợp…”.

Để nâng cao nguồn nhân lực cán bộ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành chương trình đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ và giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2020, các đề án, kế hoạch đào tạo giai đoạn 2016-2020 và từng năm để thực hiện. Đặc biệt là hàng năm, tỉnh bố trí kinh phí ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng khoảng trên 25 tỉ đồng. Kết quả là từ năm 2015-2018, tỉnh cử đào tạo trình độ sau đại học 207 trường hợp, trong đó 4 trường hợp ở nước ngoài theo các chương trình học bổng; cử 2.946 trường hợp đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp…

Trong khi đó, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về công tác cán bộ, nhất là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ. Từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 195.805 lượt cán bộ, trong đó đào tạo cao cấp, cử nhân lý luận chính trị 1.710 đồng chí, trung cấp chính trị 6.905 đồng chí. Về chuyên môn, nghiệp vụ, đã đào tạo tiến sĩ 10 đồng chí, thạc sĩ 546 đồng chí, đi học nước ngoài 13 đồng chí, đại học 11.978 đồng chí…

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo”. Thực hiện đề án này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 06 ngày 23/5/2016 về đào tạo cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020. Đến nay, đã đưa đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo đề án được 391 đồng chí, đạt 131% so mục tiêu của đề án; cử đi đào tạo sau đại học 172 đồng chí, đạt 376,7% so mục tiêu đề án…

Sự quyết tâm đó của các cấp, các ngành đã tạo nên bước phát triển nhảy vọt về nguồn lực cán bộ so với thời điểm mới thành lập tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 49 tiến sĩ, 696 thạc sĩ, 11.288 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học.

Đáp ứng tốt yêu cầu công việc

Cán bộ, công chức, viên chức sau khi đào tạo đã được bố trí, sắp xếp công việc tương đối phù hợp, phát huy được năng lực chuyên môn, sở trường công tác. Một số cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn đã được bố trí làm công tác lãnh đạo, quản lý theo vị trí công tác phù hợp.

Là địa phương có địa bàn rộng, dân số đông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đòi hỏi bộ máy chính quyền ở huyện Phụng Hiệp phải hoạt động thật sự có hiệu quả. Muốn làm được như vậy thì mỗi cán bộ trong bộ máy phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, phải năng động, đổi mới và có đủ trình độ, bản lĩnh để xử lý tốt yêu cầu công việc. Cho nên hơn hết, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được huyện đặt lên hàng đầu.

Nhiều người biết đến chị Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, là cán bộ luôn năng nổ với công việc. Trước đó, chị từng là Phó Chủ tịch UBND xã Phương Phú, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện.

Tháng 10-2015, chị được cử đi học lớp cao cấp chính trị hệ tập trung tại Trường Chính trị tỉnh. Chị Trúc bộc bạch: “Được tổ chức quan tâm, tạo điều kiện cho đi học để nâng cao trình độ luôn là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề. Do đó, tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nội dung trong chương trình học. Sau khóa học, tôi thấy mình trưởng thành hơn và thêm tự tin khi thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Trong khi đó, được UBND thành phố Vị Thanh ra quyết định cử tham gia học liên thông đại học ngành công nghệ thông tin năm 2013 là cơ hội cho anh Phạm Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường III, nâng cao trình độ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hiếu được phân công làm Chủ tịch Hội Nông dân phường khi mới hơn 30 tuổi (trước đó anh là cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo của phường).

Với nền tảng kiến thức trên giảng đường, anh Hiếu tích cực hỗ trợ hội viên sử dụng công nghệ để tra cứu giá cả, nhu cầu thị trường và khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Chưa kể là anh còn tham mưu cho cấp trên xây dựng một số mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, như: tổ nghề nghiệp, mô hình VAC, tổ chức tập huấn VnSAT…

Anh Hiếu bộc bạch: “Mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nông dân phường chưa lâu nên tôi còn bỡ ngỡ với nhiều việc. Nhưng với kiến thức được học và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đang cố gắng tìm tòi, học hỏi để nắm vững lĩnh vực phụ trách; thường xuyên đi thực tế để tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên… để từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ do tập thể phân công”.

Không riêng chị Trúc, anh Hiếu, theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ của tỉnh sau khi đào tạo, bồi dưỡng có sự trưởng thành về nhận thức, phát huy khả năng liên hệ lý luận và thực tiễn; khi được đề bạt, bổ nhiệm hầu hết đều phát huy năng lực của mình trên cương vị mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã làm tốt hơn nhiệm vụ tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để thực thi nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Các kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, khoa học quản lý, chính trị, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức thực thi công vụ… đã được vận dụng vào giải quyết công việc.

Trong khi đó, từ năm 2015 đến tháng 6-2018, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh quyết định cử 344 cán bộ, đảng viên đi học các lớp trung cấp lý luận chính trị do Trường Chính trị tỉnh tổ chức.

Ông Nguyễn Thành Út, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, cho biết, qua khảo sát, cán bộ, đảng viên sau khi học trung cấp lý luận chính trị đã được đưa vào quy hoạch, được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trước khi đi học. 

Có thể nói, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên chính là tiền đề tạo nên sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh những năm qua. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ của tỉnh hiện nay còn không ít khó khăn, hạn chế.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

----------

Bài 2: Đâu là hạn chế, yếu kém ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>