Phát triển văn học nghệ thuật xứng tầm

26/05/2017 | 08:36 GMT+7

Khi thành lập tỉnh, văn học nghệ thuật Hậu Giang được ví như “mảnh đất trắng”, chưa được khai phá. Giờ “mảnh đất trắng” ấy đã là đất lành, chim bay về đậu, có hoa thơm, trái ngọt...

Nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống (trái) đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc ĐBSCL năm 2016, góp phần khẳng định chất lượng văn học nghệ thuật của Hậu Giang.

Làm văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị

Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ, hướng đến nâng cao chất lượng tác phẩm, bắt kịp xu hướng thời đại là một trong những mục tiêu được đề cập đến trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Để làm được điều này là cả một quá trình. Đặc biệt, phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị trong văn, nghệ sĩ. Bởi làm văn nghệ cũng là phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tư tưởng có thông, sáng tác mới suốt, mới bám sát cuộc sống, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, chia sẻ, với trách nhiệm của mình, ông luôn tạo điều kiện cho anh em văn nghệ sĩ học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị, để nói đúng, viết đúng, phản ánh được hơi thở cuộc sống, những đổi thay của quê hương Hậu Giang một cách tích cực, đúng hướng nhất…

Những ngày đầu thành lập tỉnh, lực lượng văn, nghệ sĩ thưa thớt, chất lượng tác phẩm nghệ thuật không cao. Còn hiện tại, những khó khăn dần qua, đội ngũ này từng bước vươn ra khu vực, toàn quốc với những giải thưởng thuyết phục. Có thể nhận thấy sự trưởng thành của văn, nghệ sĩ Hậu Giang qua số lượng hội viên, qua chất lượng tác phẩm. Ở từng lĩnh vực, họ đã có những phấn đấu nhất định, để làm nên các tác phẩm. Lúc đầu chỉ là viết cho mình đọc, nhưng dần dần, họ tự tin sáng tác và tự in tuyển tập riêng (nếu chưa được Hội hỗ trợ kinh phí). Nhà thơ Lê Văn Trắng (thị xã Long Mỹ) chia sẻ: “Nhiều năm dạy văn, cũng có viết theo cảm xúc, nhưng gọi là nhà thơ thì ngại vô cùng. Khi tham gia vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tôi được giao lưu với mọi người nhiều hơn, từ đó cũng tự tin gửi bài cho tạp chí văn nghệ hơn. Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện tập hợp hơn 30 bài thơ tâm đắc của mình để in tập thơ đầu tay…”.

Họa sĩ Phan Văn Sáu (huyện Vị Thủy) cũng là một giáo viên dạy mỹ thuật, nhưng chưa khi nào anh nghĩ mình sẽ có tác phẩm để dự thi cấp khu vực. Vậy mà từ khi vào hội, năm nào anh cũng có 1 đến 2 bức tranh để dự thi. Mới năm rồi, tác phẩm của anh được chọn triển lãm khu vực ĐBSCL và là 1 trong 12 tác phẩm được chọn giới thiệu tham gia giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Hay nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều, vừa đạt giải nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc ĐBSCL và cũng vừa được kết nạp vào hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một điều có mơ anh cũng chưa hề nghĩ đến, nếu không được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang chắp cánh…

Trải nghiệm, bám sát thực tiễn qua từng tác phẩm

Tạo điều kiện để các hội viên trau dồi nghiệp vụ, tư tưởng chính trị, tạo sân chơi để họ thỏa sức trải nghiệm; đồng thời, tổ chức nhiều chuyến thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh để từng hội viên được cọ sát thực tế, để nuôi dưỡng ý tưởng cho những tác phẩm nghệ thuật. Ông Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, cho biết mỗi năm, Hội tổ chức từ 10 đến 15 chuyến thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, đó là chưa kể đến tham dự các trại sáng tác do Trung ương, bộ, các hội chuyên ngành. Hiện tại, hội viên của 9 phân hội chuyên ngành là 150 người. Hội viên các phân hội khá đồng đều và đang từng bước nâng cao chất lượng sáng tác. Tuy nhiên, mảng lý luận phê bình vẫn còn rất yếu. Đây là một mảng khó, ít người chịu nghiên cứu sâu. Hội vẫn tiếp tục động viên và tìm kiếm những nhân tố mới để phát huy mảng này. Đồng thời, sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chuyến giao lưu thực tế sáng tác đến các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, tập trung cho đối tượng học sinh, sinh viên, để tăng cường lực lượng.

Bám sát định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, Đại hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020, cũng đã đề ra chỉ tiêu: Mỗi năm tổ chức 1 lớp tập huấn sáng tác; liên kết Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có ít nhất 20 tác giả được giới thiệu; liên kết với ngành văn hóa, giáo dục trong tỉnh để mở lớp tập huấn sáng tác, tìm kiếm và chăm bồi cho lực lượng sáng tác trẻ; mở lớp tập huấn về công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật…

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, đa phần văn, nghệ sĩ phải kiêm nhiệm hoặc làm nhiều công việc khác, nhưng dòng máu văn nghệ vẫn chảy và họ đã, đang và sẽ chắt chiu từng cảm xúc, lượm lặt từng thanh âm cuộc sống để chuyển tải bằng văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, sân khấu… Tất cả cùng hướng đến nâng chất toàn diện đội ngũ, khẳng định sự trưởng thành, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng trong tỉnh, tiếp tục cạnh tranh các giải thưởng cấp khu vực và toàn quốc, khẳng định chất lượng văn học nghệ thuật của “quê hương lúa vàng, quê hương mía đường…” Hậu Giang!

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>