Phát huy giá trị lịch sử các khu di tích

07/04/2017 | 08:11 GMT+7

Trong những năm qua, Hậu Giang đã quan tâm đầu tư và từng bước phát huy giá trị của các di tích lịch sử, tạo nên dấu ấn riêng.

Khảo sát để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước ở Di tích Chiến thắng Chương Thiện tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đầu năm 2017.

Hậu Giang hiện có 15 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử cấp quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh. Năm 2016, đã có gần 400 đoàn khách đến tham quan. Có được kết quả đó là sự đầu tư, tôn tạo, nâng cấp trong hơn 10 năm qua dành cho các di tích.

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Hậu Giang, từ năm 2004 đến nay, Trung ương hỗ trợ đầu tư trên 23 tỉ đồng và tỉnh đã đầu tư trên 232 tỉ đồng cho hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Đây là một con số không nhỏ với một tỉnh còn khó khăn như Hậu Giang, nên tỉnh đã chia nhỏ để đầu tư từng năm, đặc biệt quan tâm đến các di tích lịch sử có sức ảnh hưởng lớn, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh như: Đền thờ Bác Hồ, Di tích Chiến thắng Chương Thiện, Di tích Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô… Chính sự đầu tư khá toàn diện này đã tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống di tích, để đơn vị chủ quản có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của các khu di tích tùy theo điều kiện, tình hình cụ thể.

Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hậu Giang, cho biết, hệ thống di tích được đầu tư khá hoàn thiện, nên du khách đến tham quan cũng nhiều. Từ đó, đòi hỏi lực lượng thuyết minh của ngành cũng phải học hỏi, năng động lên rất nhiều để có thể nâng cao kiến thức lẫn kỹ năng thuyết minh, phục vụ khách đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, việc bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh để những nơi này luôn ngăn nắp, sạch sẽ cũng được đơn vị lên kế hoạch thực hiện thường xuyên. Thứ hai hàng tuần, tất cả cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tỉnh sẽ cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh tại Di tích Chiến thắng Chương Thiện… Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn ký liên tịch với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các buổi học ngoại khóa, tham quan của học sinh. Tuy chưa nhiều và phần lớn chỉ là các em ở cấp mầm non, tiểu học, nhưng cũng là động thái của sự quan tâm phát huy giá trị lịch sử của các khi di tích, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ ở những cấp học đầu tiên…

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa để phục vụ giáo dục truyền thống. Đặc biệt đối với các di tích: Chiến thắng Chương Thiện, Chiến thắng Tầm Vu, Đền thờ Bác Hồ, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu…

UBND tỉnh cũng vừa ban hành quy định về quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, nhằm tiếp tục tạo điều kiện phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của các khu di tích, giúp các đơn vị chuyên môn trong việc thực hiện quản lý, để từng bước bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, nhất là với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, việc tiếp tục quan tâm rà soát các hạng mục hư hỏng để có kế hoạch đầu tư, tôn tạo, đã thể hiến sự quan tâm đặc biệt với các di tích, vốn là một phần của lịch sử.

Tất cả đã cùng góp phần vào mục đích chung là giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, từng bước tạo những điểm đến ấn tượng.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>