Bước chuyển hạ tầng thương mại

21/07/2017 | 07:05 GMT+7

Sau hơn 2,5 năm thực hiện theo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển thương mại - dịch vụ, dáng dấp chợ nông thôn có nhiều đổi khác đồng thời với việc định hình phong cách thương mại hiện đại. Nhờ đó, giá trị khu vực III ổn định và tăng trưởng cho những tháng đầu năm nay. 

Mô hình trung tâm thương mại tích hợp đang trở thành xu hướng phát triển, không ngừng gia tăng ở các đô thị lớn như thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy.

Có rất nhiều nguyên nhân làm chậm công tác đầu tư chợ nông thôn, làm cho bước khởi đầu nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng thương mại nhiệm kỳ mới của Đảng bộ tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng vì thế mà mỗi sự thay đổi đều dễ dàng nhận ra. 

Chợ nông thôn đổi sắc

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, nhớ lại: “Nhắc đến huyện Phụng Hiệp chắc ai cũng nhớ vì còn quá nhiều chợ quá tải, xuống cấp. Những ngày đầu nhận công tác ở Phòng Kinh tế - Hạ tầng này, tôi rất trăn trở bởi bà con tiểu thương cứ hay phàn nàn chợ bao giờ xây xong, nhiều lúc tôi cũng ngại đi công tác ngang chợ. Do tín dụng bị thắt chặt, các nhà đầu tư bị khó khăn về tài chính nên những năm qua một số dự án có tiến độ thực hiện khá chậm”.

Hai năm trở lại đây, không những kết cấu hạ tầng đô thị có nhiều chuyển biến mà hàng loạt dự án thương mại trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã được khởi động. Điển hình là dự án Trung tâm Thương mại thị trấn Cây Dương do Công ty Cổ phần Cadico làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 7,8ha. Còn chợ Long Thạnh, chợ Cầu Trắng cũng triển khai rất nhanh. Hai chợ này hiện đã hoàn thành phần nhà lồng, tiểu thương bắt đầu vào buôn bán. Một số hạng mục khác được xây mới, nâng cấp hoặc sửa chữa lại. Khu dân cư thương mại chợ Cầu Trắng do Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Thành làm chủ đầu tư, quy mô 4,1ha, tổng mức đầu tư 80 tỉ đồng. Còn chợ Long Thạnh có diện tích khoảng 500m2 được đầu tư từ nguồn giải tỏa, mở rộng Quốc lộ 1A với số vốn 2 tỉ đồng.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, công tác đầu tư chợ nông thôn được trợ lực rất nhiều từ chủ trương xã hội hóa. Bởi, theo phương thức Nhà nước đầu tư toàn phần thì vốn ngân sách không đủ đáp ứng để hoàn chỉnh hạ tầng thương mại nông thôn đang xuống cấp mà chỉ áp dụng phương pháp “lấy chợ nuôi chợ”. Sau nhiều năm kêu gọi, chợ Hỏa Lựu vừa được một doanh nghiệp đăng ký đầu tư dự án khu dân cư nông thôn mới, trong đó có đầu tư một nhà lồng chợ trong khuôn khổ dự án. Hiện, doanh nghiệp này đã ký quỹ và lập thủ tục bồi thường cho dân.

Đổi thay tác phong thương mại

Mạng lưới chợ nông thôn phát triển còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng được thị phần của mình, đưa hàng hóa, nhất là hàng Việt đến với người tiêu dùng nông thôn ngày càng nhiều hơn. Cùng với chợ, hệ thống cửa hàng thương mại ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng đang từng bước được khôi phục và lấy lại vị thế trong việc thực hiện mục tiêu góp phần cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư chợ - siêu thị Việt Mai, cho rằng đầu tư chợ cho hiệu quả rất rõ nếu có sự hỗ trợ của địa phương đối với các nhà đầu tư. Rõ ràng, chợ Nàng Mau, huyện Vị Thủy đầu tư thành công ngoài ý muốn. Chợ này đang hoạt động tốt với khoảng 700-800 lô, sạp, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Hệ thống thương mại vững chắc sẽ đảm bảo vai trò tiêu thụ hàng hóa cho người dân. Do đó, phát triển chợ là giải bài toán nông nghiệp nông thôn. Chợ nông thôn góp phần tạo việc làm, thu nhập để hỗ trợ lại cho nông nghiệp.

Diễn biến thị trường mấy năm gần đây đã phản ánh rõ nét xu hướng tất yếu của sự đổi thay về cách mua sắm và phong cách thương mại. Đó là sự ra đời của các trung tâm thương mại, hàng hóa bày bán đã được phân bố lại theo hướng ai lấy được lòng “thượng đế” hơn sẽ chiếm được thị phần nhiều hơn. Việc mua sắm theo xu hướng thương mại hiện đại đang không ngừng gia tăng  cả chất lượng và số lượng. Trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư như chuỗi siêu thị Co.opMart, Vincom, các siêu thị chuyên doanh liên tục ra đời và đạt mức tăng trưởng không kém chợ truyền thống. Những siêu thị này, không chỉ có nhiều lợi thế không cần diện tích lớn mà mặt hàng đa dạng tại đây sẽ giúp người mua có nhiều sự lựa chọn hơn, giá cả tương đối ổn định. Vì vậy, mô hình kinh doanh này đang trở thành xu hướng phát triển, không ngừng gia tăng ở các đô thị lớn như thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ.

Theo Sở Công thương tỉnh, để giữ vững vị trí của mình, thương nhân thuộc loại hình thương mại truyền thống buộc phải thay đổi thói quen mua bán. Song song đó, Sở cũng tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, khai thác và kinh doanh chợ. Tại lớp tập huấn, các cán bộ trực tiếp theo dõi, tham mưu phát triển và quản lý chợ thuộc các xã trên địa bàn tỉnh được trang bị những chính sách của Nhà nước về phát triển và quản lý chợ chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ văn minh, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng cháy chữa cháy tại chợ. Thông qua hình thức này, ngành công thương cũng hướng tiểu thương thay đổi dần tác phong thương mại.

Hiện toàn tỉnh có 73 chợ và 4 siêu thị, 1 trung tâm thương mại. Tuy vậy, còn rất nhiều chợ chưa được quan tâm đúng mức về hạ tầng. Bởi, cơ chế về vốn chưa đủ lực rót về thương mại nông thôn mà hướng nhiều hơn đến các công trình dân sinh bức xúc khác. Do vậy, từ nay đến năm 2020, Nghị quyết Tỉnh ủy xác định tiếp tục tăng cường kêu gọi đầu tư từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, nhất là mạng lưới chợ, các dịch vụ vận chuyển, thông tin, logistics… Kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại tạo thành mạng lưới phân phối hàng hóa và cung ứng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đến tận vùng sâu.

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>