Liên kết vùng - Cơ hội cho du lịch phát triển bền vững

10/07/2020 | 09:37 GMT+7

Sau một khoảng thời gian ngắn triển khai kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều động thái phát triển du lịch diễn ra, liên kết hợp tác được kỳ vọng là cú hích cho ngành công nghiệp không khói này.

Kênh xáng Xà No đã được khảo sát và kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: TRUNG QUÂN

Cú hích được trông chờ…

Cuối năm 2019, thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, giai đoạn 2020-2025, được ký kết. Cùng với đó là một kế hoạch hợp tác bài bản, có sự đóng góp của các tỉnh, thành liên quan, các chuyên gia du lịch đóng góp để hoàn thiện và đi vào căn cơ. Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 làm đóng băng các hoạt động du lịch trong những tháng đầu năm, nhưng những người làm du lịch đã biến điều này thành cơ hội, khảo sát các tuyến du lịch điểm: “Những nẻo đường phù sa”, “Sắc màu vùng biên” và “Non nước hữu tình”.

Khởi phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó việc khai thác, đẩy mạnh các nội dung kích cầu du lịch được thực hiện, đã có 10/13 tỉnh, thành tham gia giảm giá các dịch vụ du lịch từ 10%-100% tùy đối tượng. Trong đó, các doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng 52 chương trình kích cầu từ đây đi đến các tỉnh, thành ĐBSCL. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, toàn bộ các chương trình này đều được chào bán và đăng công khai trên website kích cầu du lịch của thành phố. Trong khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đã có trên 50.000 lượt khách đăng ký mua tua tại 5 doanh nghiệp lữ hành lớn để đi các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL”.

Nhận xét về việc liên kết hợp tác phát triển du lịch, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết: “Những người làm du lịch đồng bằng trông chờ sự hợp tác này hơn 10 năm nay. Đây là một thắng lợi, niềm vui không thể tả, vì đó là cơ hội để du lịch đồng bằng cất cánh. Trước nay, không có sự liên kết này, các tỉnh, thành tự phát huy, khai thác thế mạnh của địa phương mình. Từ đó, sản phẩm giống nhau, chưa tạo được dấu ấn riêng. Giờ chúng ta đã có sức mạnh về thế, đủ về lực, thì việc phát triển du lịch cho vùng đất chín rồng sẽ là chắc chắn”.

Đặt nhiều kỳ vọng

Suốt 16 năm thành lập tỉnh, cũng là một chặng đường nhọc nhằn mà những người làm du lịch Hậu Giang đã trải qua. Tuy nhiên, với sự quan tâm của tỉnh, sự cộng đồng trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và sự tâm huyết của những người làm du lịch, những chủ trương, chính sách phát triển du lịch đã ra đời: Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2024; Đề án Phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Sự quan tâm đầu tư đồng bộ đã từng bước đưa du lịch Hậu Giang phát triển, bằng việc hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, từng bước khai thác tiềm năng và thế mạnh của du lịch Hậu Giang: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Vườn dâu Thiên Ân, Vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, Địa điểm Cây Di sản Việt Nam - cây Lộc Vừng…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: “Du lịch Hậu Giang đang phấn đấu đến năm 2025, đón 1.000.000 lượt khách, trong đó có khoảng 70.000 khách quốc tế, tổng thu khoảng 1.400 tỉ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Hậu Giang sẽ tập trung: xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng du lịch sinh thái kết hợp văn hóa, tín ngưỡng; thu hút các nguồn lực đầu tư vào dự án du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch trên kênh xáng Xà No…”.

Cùng với đó là khai thác hiệu quả các khu, điểm du lịch có sẵn, triển khai có hiệu quả đề án phát triển du lịch; đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo thêm nhiều cơ hội cho du lịch Hậu Giang, trong đó, điểm nhấn là phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch nằm trong kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL…

Thêm cơ hội để phát triển du lịch căn cơ

 

- Mới đây, Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL đã ra mắt. Đây tiếp tục là cơ hội để sự liên kết hợp tác phát triển du lịch đi vào căn cơ. Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp 13 tỉnh, thành trong vùng tập trung xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tổ chức hội nghị quảng bá du lịch, triển khai tiếp tục các chương trình kích cầu du lịch; khảo sát tiếp tục các tuyến du lịch ở một số tỉnh, thành còn lại để hoàn thành 3 sản phẩm du lịch “Những nẻo đường phù sa”, “Sắc màu vùng biên” và “Non nước hữu tình” và bắt đầu chào bán.

 

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích