Du lịch Hậu Giang khởi sắc

12/04/2018 | 10:16 GMT+7

Đến thời điểm này, sau gần 15 năm thành lập, bức tranh về du lịch Hậu Giang đã có những bước khởi sắc.

Hậu Giang đang định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái. (Trong ảnh là vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh).

Vươn lên từ muôn vàn gian khó

Lúc mới thành lập, tại trung tâm tỉnh Hậu Giang, dấu ấn của một huyện nghèo vẫn còn hằn sâu, dù lúc này, Vị Thanh đã là thị xã (giờ là thành phố Vị Thanh). Cơ sở lưu trú ít, chỉ vài nhà nghỉ, nhà trọ, chất lượng phục vụ rất thấp. Thời đó, nhiều người nói vui: nếu có bạn dắt về đây không biết đi đâu, ăn gì và ngủ ở đâu!

Lợi thế duy nhất chỉ là những di tích lịch sử văn hóa, những địa chỉ đỏ có thể thu hút khách du lịch như Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp; Đền thờ Bác Hồ, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Lúc này, Hậu Giang xác định khai thác các địa chỉ đỏ, trong khi chưa tìm ra được một hướng đi hợp lý cho du lịch. Từ đó, các khu di tích được nâng cấp sửa chữa, mở rộng. Đặc biệt là Khu di tích Chiến thắng Chương Thiện (thành phố Vị Thanh), nơi ghi đậm chiến tích của Quân và Dân Khu 9 trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được đầu tư xây dựng hoành tráng ngay đô thị Vị Thanh đã được lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch thực hiện. Tất cả đã bắt đầu tạo sự chuyển biến cần có.

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ, khi đảm nhận mảng du lịch, ông rất lo lắng, không biết phải bắt đầu từ đâu. Với một tỉnh nghèo, “đường cùng” (lúc đó chưa có đường thông qua tỉnh Kiên Giang như bây giờ), muốn kêu gọi đầu tư du lịch là chuyện không tưởng. Tỉnh còn quá nhiều vấn đề lớn trước mắt phải lo, không có nhiều kinh phí dành cho đầu tư du lịch, khi mà còn có rất nhiều hộ nghèo, điện, đường, trường, trạm đang là vấn đề bức xúc. Suy nghĩ của ông là cần phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Sự quan tâm của UBND tỉnh chưa đủ, cần phải có sự vào cuộc của Tỉnh ủy bằng một nghị quyết, mới mong du lịch được vực dậy. Cùng với đó, ông bắt đầu nghiên cứu các mô hình du lịch mà các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực đang triển khai hiệu quả để xem Hậu Giang có thể xây dựng được mô hình nào, tranh thủ gặp gỡ, mời gọi các doanh nghiệp du lịch để xem họ có những ý tưởng nào hay cho du lịch… Cùng với đó, ngành đã đề xuất, xây dựng kế hoạch hoạt động du lịch, nâng cấp, nâng chất dần các cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch với những phần việc cụ thể.

Hậu Giang đã đầu tư cơ sở lưu trú, xây dựng bờ kè, Công viên Xà No, Công viên Chiến Thắng…, hình thành nên những điểm dừng chân tại trung tâm đô thị, tạo điểm nhấn riêng… Rồi năm 2014, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết, các huyện, thị, thành cũng lần lượt xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết tùy theo điều kiện của từng địa phương, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, góp phần định hình hướng phát triển du lịch Hậu Giang. Tỉnh đã xác định sẽ tập trung khai thác, phát huy du lịch sinh thái, du lịch vùng sông nước và du lịch nông nghiệp.

Tạo dấu ấn từ thế mạnh hiện có

Đến thời điểm này, có thể tự hào để nói rằng, du lịch Hậu Giang đã bắt đầu thu hút khách. Mấy năm gần đây, khi đã xác định hướng phát triển theo hướng khai thác du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, Hậu Giang đã từng bước xây dựng vùng khóm Cầu Đúc ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, hướng dẫn người dân làm du lịch, xây dựng mô hình thí điểm Nông dân làm du lịch ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy… Cùng với đó, các dự án du lịch cũng đang thực hiện như: dự án khôi phục chợ nổi Ngã Bảy để tiến đến xây dựng tua, tuyến du lịch điểm của Hậu Giang, Cây di sản lộc vừng (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp). Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã đầu tư, làm nên Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp), tạo thành một tua du lịch riêng của Hậu Giang.

Cùng với đó, các dự án của doanh nghiệp đầu tư cho du lịch cũng đã định hình, như: Khu du lịch sinh thái rừng tràm Việt - Úc (huyện Vị Thủy), Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (huyện Châu Thành), Công viên giải trí Kittyd & Minnied do Trường Đại học Võ Trường Toản (đặt tại huyện Châu Thành A) đầu tư mang đậm lối kiến trúc châu Âu… tạo điểm đến mới thú vị níu chân du khách. Người dân cũng bắt đầu quan tâm làm du lịch trên chính mảnh vườn đặc sản của mình như: Vườn dâu cao sản Thiên Ân (thị xã Ngã Bảy), Điểm du lịch cộng đồng của ông Huỳnh Tường Dương, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh… đã bắt đầu đón khách. Gia chủ còn nghĩ ra làm các món ăn đặc sản, làm các loại bánh, rượu từ khóm, bánh xèo củ hủ khóm để tạo ấn tượng riêng, để những ai đến đây một lần sẽ nhớ mãi… 

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh, ngành sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Đề án phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; sẽ trực tiếp đi tìm các doanh nghiệp đầu tư về du lịch khá thành công ở các tỉnh đồng bằng để giới thiệu về tiềm năng của Hậu Giang… Bên cạnh đó, việc đào tạo, tập huấn để hỗ trợ kiến thức chuyên môn cho đội ngũ làm du lịch, đặc biệt là những người dân tham gia làm du lịch cộng đồng; tổ chức thêm nhiều tua, tuyến du lịch… cũng sẽ được tập trung, để đưa du lịch Hậu Giang phát triển hòa vào dòng chảy, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch đồng bằng cũng như cả nước.

Từ năm 2017, Hậu Giang đã được chọn tham gia vào dự án phát triển hạ tầng du lịch do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ, với 3 tiểu dự án với tổng vốn đầu tư trên 608 tỉ đồng. Cùng với đó, gần 10 dự án du lịch đang tiếp tục kêu gọi đầu tư là Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Kênh Lầu, Khu du lịch Hồ Sen, Hồ Tam Giác, Du lịch Cộng đồng quýt đường Long Trị...

 

Bài, ảnh: THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích