Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: Trách nhiệm chung

08/06/2022 | 07:14 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, số vụ xâm hại tình dục trẻ em giảm đáng kể so với cùng kỳ. Kết quả này xuất phát từ những nguyên nhân nào ?

Thông qua các buổi tập huấn, đã trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

“Lá chắn” đầu tiên

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay toàn tỉnh xảy ra 1 vụ xâm hại tình dục trẻ em, giảm 8 vụ so với cùng kỳ 2021. Để thực hiện đạt kết quả trên, ngoài các giải pháp của ngành chức năng, các gia đình đã chủ động vào cuộc, bảo vệ con em mình trước vấn nạn này.

Dẫu bận rộn lo kế mưu sinh nhưng tranh thủ buổi tối, chị Trần Thị Chọn, ở phường I, thành phố Vị Thanh, thường trò chuyện cùng con gái. Con gái đang tuổi dậy thì nên chị chia sẻ với con về những thay đổi của cơ thể để con không phải bỡ ngỡ. Chị cũng căn dặn con không được nhận quà của người lạ, khi người lạ đụng chạm vào cơ thể phải la lớn, bỏ chạy, nói cho chị hoặc người thân biết. Thậm chí, chị còn chia sẻ cả những câu chuyện thầm kín về giới tính. Chị Chọn cho biết: “Trước đây, những chuyện như thế này tôi ít đề cập với con, thế nhưng, qua thông tin trên báo đài, tôi biết nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em là do các con thiếu kiến thức tự bảo vệ bản thân, nên tôi đã chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này, để con biết cách phòng tránh”.

Thực tế cho thấy, gia đình có vai trò quan trọng trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Do đó, mỗi thành viên gia đình, nhất là cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, giáo dục cho con em những kiến thức, những kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại để các em có thể tự bảo vệ bản thân trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại...

Chú trọng phòng ngừa

 Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, phòng, chống vấn nạn này không chỉ là chuyện của riêng gia đình, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội, để tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Như Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Thủy, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều tuyên truyền về vấn đề này. Ngoài tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt chi, tổ hội về một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, chúng tôi còn phối hợp tuyên truyền tại trường học về hành vi và kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho các em”.

Còn tại huyện Phụng Hiệp, thời gian qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thường xuyên phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về xâm hại tình dục trẻ em. Duy trì và thực hiện các mô hình liên quan đến trẻ em, phát huy quyền của trẻ em. “Trong năm 2022, phòng sẽ phối hợp tổ chức 13 buổi tuyên truyền, cung cấp những kiến thức về giới, hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng ứng phó cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cả trẻ em. Thông tin về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, để mọi người có thể phản ánh, tố giác các hành vi xâm hại tình dục trẻ em…”, ông Đặng Việt Hiểu, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, thông tin.

Nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, theo ông Nguyễn Minh Thương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn. Các bậc phụ huynh cần giáo dục, trang bị cho con em mình những kiến thức cần thiết về giới tính, theo dõi sự phát triển về tâm sinh lý để hướng dẫn định hướng kịp thời cho trẻ...

Mọi hành vi xâm hại đều để lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, thể chất của trẻ em và bị pháp luật nghiêm cấm. Vì thế, cộng đồng, xã hội hãy kiên quyết phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ngay từ trong mỗi gia đình, khu dân cư. Các bậc phụ huynh khi phát hiện con em mình có những dấu hiệu, biểu hiện bị xâm hại phải kịp thời lên tiếng, báo với các cơ quan chức năng để can thiệp, giải quyết...

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ xâm hại tình dục trẻ em, giảm 8 vụ so với cùng kỳ. Từ năm 2021 đến nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức 41 cuộc tuyên truyền cho 2.860 đại biểu là cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, phụ huynh và học sinh về Luật Trẻ em; kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại; phòng, chống tai nạn thương tích cho 133 học sinh...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>