Ngôi nhà an toàn - Mô hình phòng, chống tai nạn thương tích thiết thực cho trẻ

21/06/2022 | 13:08 GMT+7

Mô hình “Ngôi nhà an toàn” đã giúp nhiều phụ huynh chủ động hơn trong xây dựng môi trường sống an toàn, góp phần phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Gia đình bà Lang làm rào chắn cẩn thận, để cháu không ra ngoài, đảm bảo an toàn.

An toàn từ những chi tiết nhỏ

Nhà có cháu nhỏ nên khi được địa phương vận động thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, gia đình bà Nguyễn Thị Lang, ở phường V, thành phố Vị Thanh đã đăng ký thực hiện. Theo bà Lang, tham gia mô hình được mọi người tuyên truyền nên bà có thêm nhiều kiến thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ, tránh những tai nạn thương tiếc có thể xảy ra. Vợ chồng bà Lang trông chừng ba đứa cháu nội, cháu lớn 4 tuổi, hai cháu nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Để đảm bảo an toàn cho cháu, các vật dụng trong nhà, nhất là vật dụng nhà bếp có nơi cất giữ và bảo quản cẩn thận sau khi sử dụng. Gia đình cũng bố trí dây điện, ổ điện ở trên cao, đường xuống nhà dưới bố trí cửa rào, để trẻ không trèo qua được. Ngoài ra, đồ chơi của cháu cũng được bà Lang rửa sạch sẽ.

“Qua hướng dẫn của cán bộ địa phương, tôi biết cách bố trí các vật dụng trong nhà sao cho an toàn với trẻ. Chúng tôi bố trí nơi cho trẻ chơi đùa có hàng rào che chắn lại, để trẻ không chạy xuống bếp và cũng không chạy ra sân được. Các vật dụng sắc nhọn được cất cẩn thận, ổ điện lắp xa tầm tay trẻ em. Vợ chồng tôi luôn ý thức, nhắc nhau phải cẩn thận, đồng thời, nhắc nhở cháu không được sờ vào dây cắm điện, đồ sắc nhọn. Mình phải cẩn thận từ chi tiết nhỏ, có như vậy mới đảm bảo an toàn cho cháu”, bà Lang cho biết.

Nhà có con nhỏ lại bận rộn việc buôn bán nhưng chị Nguyễn Thị Thùy Linh, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, luôn chú trọng đến việc bảo vệ và tạo một môi trường sống, vui chơi an toàn cho con. Vì thế, các vật dụng trong nhà đều được chị sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; ổ cắm điện được bố trí xa tầm với của trẻ, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, thoáng mát. Ngoài ra, các dụng cụ chứa nước cũng được đậy kín. Chị Linh bộc bạch: “Phía trước nhà là lộ lớn, kế bên nhà là mương nên phải rào chắn cẩn thận. Con nít hiếu động lắm, chỉ cần sơ suất chút thì tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, người lớn mình phải kỹ lưỡng mọi thứ thì mới tạo môi trường sống an toàn cho trẻ được”.

Hướng đến mục tiêu bảo vệ trẻ

Toàn tỉnh có gần 158.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm lo và hạn chế tai nạn thương tích trẻ em, thời gian qua, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã vận động, hướng dẫn các gia đình thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và được công nhận 1.000 ngôi nhà đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Như, Phó Chủ tịch UBND phường V, thành phố Vị Thanh, năm 2018 địa phương thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ. Sau thời gian thực hiện người dân đã ý thức hơn trong việc bố trí, sắp xếp đồ đạc sao cho an toàn. Ngoài ra, còn làm hàng rào che chắn những khu vực không an toàn, giúp trẻ được an toàn hơn trong chính ngôi nhà của mình.

Huyện Long Mỹ cũng thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” trên địa bàn toàn huyện. Ông Đinh Thanh Hùng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Long Mỹ, cho biết: “Việc triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em. “Ngôi nhà an toàn” phải bảo đảm các nhóm tiêu chí: an toàn xung quanh ngôi nhà, an toàn về điện, an toàn cầu thang và lan can, an toàn các đồ dùng gia đình và một số quy định khác. Năm 2022, địa phương tiếp tục củng cố và xây dựng thêm trên 100 “ngôi nhà an toàn”, từ đó không chỉ góp phần bảo vệ trẻ trước tai nạn thương tích, mà còn tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện”.

Xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích là trách nhiệm chung của ngành chức năng, gia đình, cộng đồng, xã hội. Vì vậy, trước hết mỗi gia đình cần tạo môi trường an toàn cho trẻ, bởi ngôi nhà chính là tổ ấm, ngôi nhà có an toàn thì mới bảo đảm được chất lượng cuộc sống, tinh thần và sự phát triển của trẻ. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2022 toàn tỉnh sẽ xây dựng 1.000 ngôi nhà an toàn. Việc xây dựng ngôi nhà an toàn được xem là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện...

Toàn tỉnh có gần 158.000 trẻ em. Đến nay, cả tỉnh đã xây dựng và được công nhận 1.000 ngôi nhà đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Năm 2022, tiếp tục xây dựng 1.000 ngôi nhà an toàn khác.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>