Ủng hộ việc đầu tư Đường tỉnh 926B và bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục

04/03/2021 | 18:21 GMT+7

Trong nội dung văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Hậu Giang trước và sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông Vận tải cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đều ủng hộ chủ trương đầu tư dự án Đường tỉnh 926B, bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho địa phương.

Hiện UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đơn vị tư vấn về phương án thiết kế dự án Đường tỉnh 926B.

Theo cử tri Hậu Giang, dự án Đường tỉnh 926B tỉnh Hậu Giang là tuyến giao thông kết nối tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng, là trục đường nối thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A; thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp; phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ và huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng; đồng thời, kết nối với nhiều tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 61...

Đây là tuyến đi qua vùng kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp rộng lớn; Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng còn nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời là vùng căn cứ kháng chiến của hai cuộc cách mạng nên việc đầu tư xây dựng tuyến đường sẽ tạo bước đột phá, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực, giải quyết nhiều vấn đề về chính trị - xã hội. Xuất phát từ tầm quan trọng đó, cử tri Hậu Giang kiến nghị Trung ương có chủ trương đầu tư tuyến Đường tỉnh 926B trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và liên kết vùng thuận lợi hơn.

Bên cạnh ghi nhận sự quan tâm, góp ý về việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của ngành ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân, Bộ Giao thông Vận tải cũng ủng hộ chủ trương đầu tư Dự án Đường tỉnh 926B tỉnh Hậu Giang để kết nối với các tuyến quốc lộ trong khu vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng đây là công trình của địa phương, do UBND tỉnh Hậu Giang quản lý đầu tư và xây dựng nên đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động cân đối từ nguồn ngân sách của tỉnh. Trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn trực tiếp cho tỉnh để triển khai, thực hiện.

Cũng theo cử tri Hậu Giang, hiện nay, ngành giáo dục tỉnh còn thiếu 1.448 biên chế sự nghiệp; trong đó, có 871 biên chế cho bậc mầm non, 454 biên chế cho bậc tiểu học, 66 biên chế cho bậc trung học cơ sở, 57 biên chế cho bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, theo yêu cầu thực tế của toàn ngành giáo dục tỉnh thì chỉ thiếu 963 biên chế, gồm 666 biên chế bậc mầm non, 225 biên chế bậc tiểu học, 26 biên chế bậc trung học cơ sở, 46 biên chế bậc trung học phổ thông.

Trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có chủ trương bổ sung thêm cho tỉnh Hậu Giang 963 biên chế sự nghiệp giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh. Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ Nội vụ là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương rà soát biên chế, thực hiện biên chế để báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế theo Công văn số 6450/BNV-TCBC ngày 05/12/2020 về việc điều chỉnh biên chế sự nghiệp ngành giáo dục.

Vì vậy, để bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang kiến nghị với UBND tỉnh chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn ủng hộ việc bổ sung biên chế cho địa phương nhằm đáp ứng đủ về số lượng nhà giáo trong công tác dạy học và sớm có ý kiến thẩm định gửi Bộ Nội vụ khi nhận được đề xuất của địa phương.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>