Trả lời kiến nghị của cử tri

17/12/2021 | 07:27 GMT+7

Có biện pháp hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, giãn thời hạn trả nợ gốc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cán bộ Agribank Hậu Giang phục vụ người dân (trên xe lưu động) ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. (Ảnh chụp tháng 4-2021)

Cử tri kiến nghị:

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của hộ dân và doanh nghiệp, trong các lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội năm 2021, bà con cử tri Hậu Giang có kiến nghị: “Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, giãn thời hạn trả nợ gốc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh; hỗ trợ ngư dân bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có chính sách khoanh nợ, giảm nợ ngân hàng cho các chủ phương tiện đã vay vốn ngân hàng để trang bị ngư cụ, tổ chức đánh bắt xa bờ ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời:

Trả lời các kiến nghị của cử tri Hậu Giang, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng có báo cáo, trao đổi cụ thể.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể:

- Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN). Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

- Quy định về giảm lãi suất cho vay: NHNN đã chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam; 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành thêm 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng đến nay là gần 26.000 tỉ đồng.

- Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP (quy mô tối đa 16.000 tỉ đồng); Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (quy mô tối đa 7.500 tỉ đồng), lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm.

Ngoài các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN cũng đã có các cơ chế, chính sách riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khách hàng, người dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đó là:

- Quy định trần lãi suất cho vay ưu tiên ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất sản xuất kinh doanh thông thường khác (hiện ở mức 4,5%/năm).

- Xây dụng và triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng trong nông nghiệp như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (trong đó, đã có các ưu đãi về lãi suất, mức cho vay không có tài sản bảo đảm; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình liên kết; xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ,...); chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu.

- Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận vốn như: Ban hành Thông tư 45/2018/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn như: đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; xây dựng các chương trình tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với quy mô và hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Vận hành cổng thông tin kết nối khách hàng, hỗ trợ khách hàng vay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng tại các TCTD; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh: “NHNN đã ban hành khá đồng bộ các cơ chế, chính sách và chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù, các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu, làm việc với các TCTD trên địa bàn để được hướng dẫn thủ tục vay vốn; hỗ trợ xử lý khó khăn, vướng mắc; xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, cho vay mới và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của NHNN và quy định nội bộ của các TCTD”.

Bà Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát các TCTD triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

T.THỨC tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>