Trả lời kiến nghị của cử tri

10/12/2021 | 08:21 GMT+7

Tiêm chủng cho người dân ở Hậu Giang.

Cử tri kiến nghị

Chính phủ, Bộ Y tế cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào nửa đầu năm 2022; Quản lý chặt chẽ đối với các nguồn tài trợ, nguồn từ hoạt động quyên góp, ủng hộ.

Bộ Y tế trả lời

- Về kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có các kết luận, chỉ đạo nhằm phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 23-8-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc gửi bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trong đó nêu rõ: “Người đứng đấu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả. Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do đồng chí chủ tịch UBND đứng đầu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn”.

Thời gian tới, nhằm cụ thể hóa các nội dung của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch; đồng thời phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.

- Về kiến nghị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào nửa đầu năm 2022.

Tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả: Ngày 8-7-2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3355 phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022. Đây là chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; kế hoạch tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất “Tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.

Huy động lực lượng, chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc: Bộ Y tê đã chỉ đạo toàn ngành rà soát tất cả các cán bộ, lực lượng y tế hiện đang làm việc từ tuyến y tế cấp xã trở lên, thống kê và tổ chức tập huấn cho chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử. Chỉ đạo các trường y, dược trên cả nước, rà soát tất cả sinh viên năm cuối tham gia vào công tác tiêm phòng cho người dân. Bộ Y tế cũng chỉ đạo thống kê các lực lượng y tế đã về hưu, nếu có đủ điều kiện sức khỏe để tham gia tập huấn và triển khai chiến dịch này. Kết quả đã huy động được hàng vạn cán bộ y tế từ Trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân tham gia vào chiến dịch. Tổ chức, bố trí nhiều điểm tiêm (trạm y tế cấp xã, bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành, cơ sở tiêm chủng dịch vụ...) và một số cơ sở tiêm khác (trạm y tế lưu động, các trường học, nhà văn hóa...).

Bộ Y tế đã xây dựng các tài liệu và tổ chức tập huấn về việc triển khai công tác tiêm chủng, hướng dẫn khám sàng lọc, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; đảm bảo an toàn tiêm chủng. Chỉ đạo các bệnh viện trung ương, tỉnh, thành phố, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất 1 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng. Trong thời gian triển khai tiêm chủng Covid-19, các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống tối thiểu 5 giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó, hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch; sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng. Triển khai ứng dụng sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.

Tổ chức tiêm chủng kịp thời cho người dân, tính đến ngày 3-11-2021, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm trên 84 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi trên 58 triệu liều, tiêm mũi 2 trên 26 triệu liều.

- Về kiến nghị quản lý chặt chẽ đối với các nguồn tài trợ, nguồn từ hoạt động quyên góp ủng hộ.

Trước tình hình dịch Covid-19 trên thế giới có những diễn biến mới phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, nguồn kinh phí ủng hộ công tác phòng, chống dịch hiện nay do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, quản lý và thực hiện phân bổ theo Nghị định số 64/NĐ-CP.

Đối với một số nguồn lực hỗ trợ là trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ các bộ, các tỉnh, thành phố để chủ động sử dụng cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ Y tế đã nhận được nhiều khoản viện trợ không hoàn lại về vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ các cá nhân, tổ chức quốc tế và các nước (1.774 máy thở chức năng cao; 3.700 máy thở sản xuất trong nước, 2.150 hệ thông ô xy dòng cao (HFNC); hơn 30 triệu sinh phẩm kháng nguyên nhanh và RT-PCR; hơn 200 triệu bơm kim tiêm; 15 triệu viên thuốc và hàng nghìn túi thuốc F0…). Trong quá trình tiếp nhận, bảo quản, phân phối đều thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>