Tăng cường minh bạch trong các lĩnh vực nhạy cảm để phòng, ngừa tham nhũng

26/10/2020 | 19:33 GMT+7

(HG) - Tham gia thảo luận các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp năm 2020, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tại phiên họp trực tuyến.

Phát biểu trực tuyến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan tư pháp về kết quả công tác năm 2020 và đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan tư pháp.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, trong thời gian qua, cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước và các cơ quan điều tra, tố tụng các cấp đã rất quyết liệt trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm về kinh tế và tham nhũng, được cử tri đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, theo đại biểu, công tác thi hành án, thu hồi tiền, tài sản, thất thoát, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, bởi báo cáo của Chính phủ cho thấy, hiện nay công tác thu hồi tiền do tham nhũng, tội phạm kinh tế mới chỉ đạt trên 45% (khoảng 15.000 tỉ đồng), do đó nhiều cử tri kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện chế tài, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, đồng thời kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt, tham nhũng mà có, kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và Nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả hơn, Chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, để phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh các dịch vụ mua sắm, thanh toán bằng giao dịch điện tử nhằm hạn chế tiêu dùng tiền mặt. Nhất là tăng cường công khai, minh bạch lĩnh vực mua sắm tài sản công, định giá, đấu thầu đất đai, tài nguyên, đấu thầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, chi trả đền bù, giải tỏa đất đai cho người dân, tiền thi hành án, cần được minh bạch, kiểm soát tốt hơn.

“Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị, địa phương và thanh tra chuyên ngành, nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng kéo dài, có dấu hiệu nhũng nhiễm, bao che sai phạm, kể cả sai phạm trong công tác cán bộ…”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Trước đó, sau khi nghe các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, công tác thi hành án dân sự năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 và báo cáo thẩm tra các nội dung này. Các đại biểu nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp về kết quả công tác năm 2020 và đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với các vấn đề trên. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng phát biểu bổ sung một số nội dung cần quan tâm về kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trách nhiệm và một số giải pháp mà Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần xem xét để thực hiện trong năm 2021, năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Tin, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>