Quy định kiểm toán môi trường trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) là hết sức cần thiết

24/10/2020 | 12:12 GMT+7

(HGO) – Đó là ý kiến thảo luận của đại biểu Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng ngày 24-10.

Đại biểu Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường Quốc hội.

Dự kỳ họp tại điểm cầu Hậu Giang có bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; thiếu tướng Phạm Thành Tâm, Phó Tư lệnh Quân khu 9, cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

Điểm cầu Hậu Giang tham dự chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng ngày 24-10.

Đại biểu Đặng Thế Vinh bày tỏ sự đồng tình cao với việc bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện kiểm toán môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Thế Vinh đề nghị cân nhắc nội dung tại khoản 3, Điều 52 quy định việc hướng dẫn kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Vì trong Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) thì các vấn đề liên quan đến chuẩn mực kiểm toán, tiêu chuẩn kiểm toán viên hay là quy trình tiến hành cuộc kiểm toán… đã được Luật quy định. Vì vậy, để tránh chồng chéo, đại biểu Đặng Thế Vinh cho rằng Bộ tài nguyên và Môi trường cần tập trung những việc hợp lý hơn như: ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình hoặc là đơn giá, định mức thiết kế kỹ thuật để bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó để việc kiểm toán được phù hợp hơn.

Đối với khoản 2, Điều 51 quy định ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên trách, nhân sự chuyên trách để bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên môn về môi trường hoặc chuyên môn phù hợp. Ông Đặng thế Vinh cho rằng, các ban quản lý khu kinh tế thì hầu hết thuộc UBND tỉnh, chức năng nhiệm vụ của ban này được quy định bởi các nghị định, cụ thể như Nghị định 82 ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế… Do đó, quy định ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên trách bảo vệ môi trường là không phù hợp…

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều nội dung đáng chú ý. Chẳng hạn như đchủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án như tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5.

Để thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, dự thảo Luật đã có quy định để bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí với quy hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng như tại Điều 9, Điều 13 và Điều 14.

                        Tin, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>