Quốc hội thảo luận trực tuyến về công tác tư pháp, chống tham nhũng

26/10/2020 | 19:38 GMT+7

(HG) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong ngày 26-10, Quốc hội nghe và thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, công tác thi hành án năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Hậu Giang.

Dự trực tuyến tại điểm cầu Hậu Giang, có ông Huỳnh Thanh Tạo, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, trình bày các báo cáo về công tác tư pháp; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, trong bối cảnh của năm 2020, Ủy ban Tư pháp ghi nhận, đánh giá cao kết quả Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đạt được, nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội cũng như chia sẻ những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai.

Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình và đánh giá kết quả của Chính phủ; đồng thời, nhấn mạnh mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51%; gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống người thi hành công vụ tăng 260%...

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, năm qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự của viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, tỷ lệ giải quyết án của tòa án đạt 97,8%, vượt 9,8% so chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Trước đó, phát biểu thảo luận trực tuyến, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cho rằng, thời gian qua, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước và các cơ quan điều tra, tố tụng các cấp đã rất quyết liệt trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm về kinh tế và tham nhũng, được cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, công tác thi hành án, thu hồi tiền, tài sản, thất thoát, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi báo cáo của Chính phủ cho thấy, hiện nay, công tác thu hồi tiền do tham nhũng, tội phạm kinh tế mới chỉ đạt trên 45% (khoảng 15.000 tỉ đồng). Do đó, nhiều cử tri kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện chế tài, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí; kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt, tham nhũng mà có; kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và Nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cũng đề nghị để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả hơn, Chính phủ sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh các dịch vụ mua sắm, thanh toán bằng giao dịch điện tử nhằm hạn chế tiêu dùng tiền mặt.

Mặt khác, tăng cường công khai, minh bạch lĩnh vực mua sắm tài sản công, định giá, đấu thầu đất đai, tài nguyên, đấu thầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước; chi trả đền bù, giải tỏa đất đai cho người dân. Riêng tiền thi hành án cần được minh bạch, kiểm soát tốt hơn.

Tin, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>