Kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp được tổ chức ra sao ?

11/06/2021 | 08:22 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có hướng dẫn một số nội dung về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Việc triệu tập kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử.

Trong Hướng dẫn 883/HD-UBTVQH14 ngày 2-6-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, thời gian tiến hành kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14 (Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Cụ thể, kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu HĐND; đối với địa phương có bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu HĐND hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất kể từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm. Tại những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện theo mục 9 của Hướng dẫn này.

Việc triệu tập kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 80 và khoản 3 Điều 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Chủ tịch, Quyền Chủ tịch HĐND cùng cấp nhiệm kỳ 2016-2021 triệu tập. Trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch HĐND thì một Phó Chủ tịch HĐND triệu tập.

Trường hợp khuyết cả Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND thì Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp (đối với trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, cấp xã) hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh) chỉ định Triệu tập viên để triệu tập và chủ tọa kỳ họp thứ nhất cho đến khi HĐND bầu được Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp ban hành nghị quyết về việc chỉ định Triệu tập viên. Người triệu tập kỳ họp tiến hành khai mạc và chủ tọa các phiên họp của HĐND cho đến khi bầu ra được Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ tọa kỳ họp có thể phân công người điều hành nội dung phiên họp.

Về chương trình làm việc tại kỳ họp thứ nhất, Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 hoặc Triệu tập viên có trách nhiệm chuẩn bị dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của HĐND cùng cấp trình HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 xem xét, quyết định. Dự kiến chương trình kỳ họp được gửi đến đại biểu HĐND cùng với quyết định triệu tập kỳ họp thứ nhất chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Căn cứ vào thời gian tổ chức kỳ họp, thời gian triệu tập kỳ họp và tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016 -2021 hoặc Triệu tập viên quyết định việc tổ chức họp với các cơ quan hữu quan về chuẩn bị nội dung kỳ họp. Trước khi khai mạc kỳ họp chính thức, HĐND tiến hành phiên họp trù bị để quyết định nội dung chương trình kỳ họp và thảo luận, thống nhất các vấn đề liên quan. Thời gian, chương trình, nội dung, thành phần tham dự phiên họp trù bị do Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoặc Triệu tập viên quyết định.

Cũng theo hướng dẫn, chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày bế mạc kỳ họp, Thường trực HĐND hoàn chỉnh hồ sơ kỳ họp HĐND (gồm các tài liệu phát hành tại kỳ họp, nghị quyết thông qua tại kỳ họp và biên bản kỳ họp) và gửi đến Thường trực HĐND, UBND cấp trên trực tiếp hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ (đối với HĐND cấp tỉnh) để báo cáo. Tài liệu trong hồ sơ báo cáo kết quả kỳ họp phải là văn bản chính thức.

Việc tổ chức kỳ họp kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 phải bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương. Căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch Covid-19 và điều kiện, tình hình thực tế ở địa phương, các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tại những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND theo hình thức tập trung nhưng phải bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.

Trường hợp địa phương áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 mà không thể tổ chức họp tập trung trong thời gian quy định tại mục 1 của Hướng dẫn này hoặc do có từ 1/2 tổng số đại biểu HĐND trở lên thuộc diện phải cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 thì có thể lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của HĐND đến khi có thể tổ chức được kỳ họp.

Việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp xã, cấp huyện do Thường trực HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào ngày 22-6. Tại kỳ họp này, sẽ thông qua báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh về kết quả bầu cử và kết quả xác nhận tư cách đại biểu HĐND tỉnh khóa X, bầu các chức danh HĐND và UBND tỉnh, bầu Ban Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh và công bố Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc thành lập Tổ đại biểu HĐND tỉnh và chỉ định tổ trưởng, tổ phó.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>