Khắc phục tính hình thức của công tác thi đua, khen thưởng

17/09/2021 | 08:27 GMT+7

Thảo luận tại tọa đạm do Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng cần khắc phục tính hình thức của công tác thi đua, khen thưởng trong Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: QUOCHOI.VN

Theo ông Phạm Huy Giang, Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội đoàn thể đã chủ động, tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả. Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động có ý nghĩa của các tổ chức đoàn thể, tổ chức hội đã thực sự đi vào cuộc sống, đã khơi dậy, động viên, lôi cuốn được đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo khí thế sôi nổi, tăng thêm tinh thần đoàn kết gắn bó giữa thành viên trong cộng đồng xã hội.

Cũng theo Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành các quy chế quy định về công tác thi đua, khen thưởng, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khen thưởng; quy định rõ tỷ lệ, đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo từng nhóm đối tượng có thành tích tiêu biểu để khen thưởng kịp thời.

Mặc dù Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có đối tượng thu hút, tập hợp hết sức phong phú, đông đảo nhưng theo ông Phạm Huy Giang, trong tổ chức phong trào thi đua vẫn còn những phong trào còn mang tính hình thức, thiếu tính bền vững. Do có nhiều phong trào thi đua do các cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội phát động và đều dồn xuống cơ sở nên không tránh khỏi tình trạng chồng chéo, quá tải với khả năng hưởng ứng, thực hiện của cơ sở.

Vì vậy, một số ý kiến thảo luận tại tọa đàm nêu rõ, cần thống nhất nhận thức phong trào thi đua thường xuyên chung cho cả nước là phong trào thi đua yêu nước; tất cả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và của các tổ chức thành viên của Mặt trận đều phải được lồng ghép và trở thành nội dung của phong trào thi đua yêu nước. Chỉ có điểm khác nhau là các phong trào thi đua, các cuộc vận động đó nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết của các tổ chức trong một thời gian nhất định, nên nội dung phải cụ thể, có tiêu chí rõ ràng, tránh chung chung dễ dẫn đến phong trào mang tính hình thức.

Các đại biểu còn cho rằng, một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, còn định tính, thiếu định lượng, dễ dẫn tới tính hình thức khi triển khai trong thực tiễn. Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi bổ sung năm 2013 và các văn bản dưới luật còn một số quy định chưa thực sự phù hợp với đặc thù khen thưởng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, chưa thực sự tạo động lực, cơ chế thuận lợi cho việc tổ chức các phong trào thi đua và động viên, khuyến khích các tổ chức, tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua.

Mặt khác, có ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho nông dân, người lao động trực tiếp nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều lúng túng vì sự khác nhau giữa các vùng miền. Một số tiêu chuẩn xét khen thưởng mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao; nhiều quy định bắt buộc phải đạt thành tích liên tục, không được gián đoạn, nên làm ảnh hưởng tới sự phấn đấu, nỗ lực của cá nhân người lao động. Thủ tục, hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, còn rườm rà, phức tạp nhất là thủ tục hồ sơ khen thưởng cho nông dân.

Từ đó, một số đại biểu đề nghị, luật hiện hành cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, để phù hợp với thực tiễn và các quy định liên quan. Bổ sung quy định phân cấp về thẩm quyền quy định đối tượng, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo hướng giao Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở quy định chung của luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong luật, để phù hợp với điều kiện, tình hình...

Kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, một số khó khăn vướng mắc về hành lang pháp lý và khâu tổ chức thực hiện về công tác thi đua, khen thưởng trong Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đã được làm rõ. Những ý kiến góp ý này sẽ được ủy ban phản ánh đầy đủ trong báo cáo thẩm tra. Đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức các cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo để đảm bảo hoàn thiện dự án luật với chất lượng tốt nhất.

Nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả

 

Tiêu biểu như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Hội Nông dân Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội sinh viên đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sáng tạo, phù hợp với tuổi trẻ như “Thanh niên tình nguyện”, “Mùa hè xanh”, “Xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, vận động xây dựng “Ngân hàng bò” cho người nghèo. Hội Người cao tuổi Việt Nam với phong trào “Ông, bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Hội Khuyến học Việt Nam triển khai phong trào thi đua “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”…

 

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>