Hậu Giang cần xây dựng kịch bản “thực hiện nhiệm vụ kép”

08/10/2021 | 08:12 GMT+7

Đó là yêu cầu của ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc với 400 cử tri ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận hội nghị tại điểm cầu Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI.VN

Tại hội nghị, cử tri tỉnh Hậu Giang đã phản ánh, kiến nghị tới lãnh đạo Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang xoay quanh các vấn đề về tập trung giải quyết khó khăn cho nông dân trong việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; hỗ trợ, giải quyết công ăn việc làm cho lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường công tác tiêm vắc-xin cho người dân; bảo vệ môi trường, nguồn nước tại các khu công nghiệp, sản xuất...

Băn khoăn trước những khó khăn do dịch Covid-19

Cử tri Nguyễn Trung Tôn, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, bày tỏ, đại dịch Covid-19 khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản từ Hậu Giang đến các tỉnh khác gặp nhiều khó khăn. Nếu như dịch bệnh còn diễn biến khó lường thì việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của người dân còn khó khăn hơn nữa. Để giải quyết vấn đề này, cử tri Nguyễn Trung Tôn đề xuất lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xem xét cấp thẻ xanh cho nông dân vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản.

Trong khi cả nước đang nỗ lực chống dịch thì nhiều người lại lợi dụng tình hình này để trục lợi trong việc tiêm vắc-xin, bán thuốc giả... Từ đó, cử tri Nguyễn Trung Tôn đề nghị cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi này. Cử tri Nguyễn Trung Tôn còn đề xuất trong chương trình thảo luận về sửa đổi Luật Đất đai, các đại biểu Quốc hội nên có ý kiến vào việc xem xét quy quy hoạch đất sao cho sử dụng đúng mục đích, không bị lãng phí…

Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến cuộc sống của người dân nên nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động, lao động bị thất nghiệp. Trước thực tế này, cử tri Phạm Hoàng Hiệp, huyện Châu Thành A, đề xuất với lãnh đạo, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cần đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 cho người dân, đặc biệt chú trọng hơn đến tiêm vắc-xin cho học sinh để các cháu có thể sớm đến trường học. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi dịch bệnh được khống chế.

Các cử tri còn cho ý kiến, đề xuất về việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống; nâng lương hưu cho cán bộ, những người có công với đất nước; quan tâm và có chính sách đãi ngộ tốt hơn nữa với đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an thực hiện công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ gia đình nghèo trong việc mua máy tính cho học sinh học trực tuyến hoặc có thể kéo dài việc nghỉ học để đến khi khống chế được dịch bệnh thì cho học sinh đến trường học trực tiếp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục...

Trước các ý kiến, đề xuất của cử tri tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cảm ơn cử tri đã có những phản ánh, đề xuất tới lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cũng như bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của người dân trước tác động của đại dịch Covid-19.

Góp phần giải trình làm rõ một số vấn đề mà cử tri phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định, về tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân, tỉnh quan tâm giải quyết thông qua việc tổ chức các tổ thu mua, tạo điều kiện cho thương lái vào địa bàn thu mua nông sản, quảng bá nông sản qua sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội. Địa phương cũng đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho người dân để tăng cường miễn dịch trong cộng đồng; tăng cường đội thanh tra kiểm soát những người lợi dụng dịch bệnh để trục lợi tăng giá bán thuốc và các vật dụng y tế...

Quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ

Sau khi lắng nghe phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cử tri tỉnh Hậu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sau thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, khoa học, hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến đã có 13 ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm. Do điều kiện thời gian, có thể còn nhiều ý kiến chưa được trao đổi, nhưng thời gian vừa qua, lãnh đạo Quốc hội vẫn nhận được đều đặn báo cáo của tỉnh Hậu Giang về ý kiến, kiến nghị cử tri, nhất là báo cáo công tác dân nguyện, tiếp công dân; xử lý đơn thư; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, lãnh đạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã lắng nghe ý kiến, sẽ phản ánh tới các cơ quan chức năng. Nội dung nào do tỉnh, huyện, xã của Hậu Giang giải quyết thì các đồng chí chủ động giải quyết theo thẩm quyền. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang có báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp chung báo cáo tại kỳ họp tới.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đồng tình, ủng hộ của Quốc hội và hành động quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và cả năm 2021 dự kiến đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Riêng tỉnh Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19, do đó tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và triển khai linh hoạt trong tình hình dịch Covid-19; triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh kịp thời, theo đúng quy định.

Cho rằng giai đoạn tới đây, cả nước nói chung và Hậu Giang nói riêng chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát ngăn chặn dịch trong thời gian sớm nhất, nâng cao năng lực hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh; nắm đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những tác động, thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân, của từng huyện, xã; xây dựng kịch bản “thực hiện nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh vừa chủ động phòng chống dịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ; kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân để điều chuyển cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao. Dự đoán sát tình hình, nắm chắc địa bàn, có giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm mới phát sinh. Động viên, ghi nhận tôn vinh những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đã có nhiều công sức đóng góp trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>