Cả nước hoàn thành tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba

22/04/2021 | 20:11 GMT+7

Đến ngày 18-4 này, cả nước đã hoàn tất việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương. Ảnh: QUOCHOI.VN

Với quy trình chặt chẽ 5 bước lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, những người được đưa vào danh sách ứng cử viên chính thức đều hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ để cử tri bầu chọn.

Trung ương thống nhất danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội

Tại Trung ương, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất danh sách những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm 205 người, trong đó 100 người tái cử.

Đánh giá về danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, đây đều là những người có trong quy hoạch, được các cơ quan lựa chọn, giới thiệu qua các bước rất chặt chẽ, có sự tìm hiểu, đánh giá cả về hồ sơ và thực tế công tác; được giới thiệu với tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao.

Ngoài ra, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, giới thiệu nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có năng lực, trình độ để giới thiệu ứng cử, bảo đảm năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội.

Cũng theo ông Đỗ Bá Tỵ, danh sách mà Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị và giới thiệu đều là cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn sâu, nổi trội, nhiều kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, công tác giám sát, tham mưu quyết định những vấn đề quan trọng; có uy tín, triển vọng phát triển; được các Ủy ban của Quốc hội giới thiệu với số phiếu tín nhiệm; được cơ quan nơi công tác và cử tri nơi cư trú giới thiệu tuyệt đối để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.

Sẵn sàng cho hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các ứng cử viên sẽ bắt đầu hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Trong đó, giai đoạn vận động bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng để người ứng cử giới thiệu, chứng tỏ được với cử tri về năng lực, phẩm chất và khả năng đóng góp của mình nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm người đại diện.

Theo Điều 64, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: “Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ”. Về hình thức vận động bầu cử được quy định tại Điều 65 và Điều 66 của Luật, theo đó, người ứng cử được tiến hành vận động bầu cử theo hình thức: Một là, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi mình ứng cử. Hai là, vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiếp xúc cử tri vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ứng cử viên, nhất là ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử. Đây là cơ hội để ứng cử viên thể hiện mình, vận động cử tri bỏ phiếu cho mình nên mỗi ứng cử viên cần phải thể hiện năng lực bản thân ở mức cao nhất với nỗ lực cao nhất. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng, người ứng cử trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình.

Vì vậy, tại Hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử đại biểu Quốc hội lần đầu thuộc khối các cơ quan Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong các ứng viên trong các hội nghị tiếp xúc cử tri không quá áp lực; đồng thời cố gắng tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương, lường trước các tình huống thực tế đặt ra để có trách nhiệm giao tiếp, trao đổi hợp lý.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý phải trình bày chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, chuẩn bị tập luyện từ phong cách thần thái đến nội dung chương trình hành động, kỹ năng vận động quần chúng sao cho tự tin chân thành hấp dẫn, phát huy kinh nghiệm và kiến thức có được trong môi trường công tác tại Quốc hội để cử tri có thiện cảm ấn tượng và tin tưởng bỏ phiếu.

Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân khi ứng cử, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, các ứng cử viên cần trình bày chương trình hành động trước cử tri ngắn gọn, cách thức trình bày phù hợp với điều kiện thực tiễn. Vận động ứng cử, trúng cử về tiếp xúc cử tri địa phương làm rất nghiêm túc, đầy đủ.

Tại Hậu Giang, 100% đại biểu dự Hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức vào ngày 16-4 vừa qua, đã biểu quyết thống nhất thông qua danh sách 8 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

 

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>