Tạo đà phát triển

15/11/2021 | 01:22 GMT+7

Hậu Giang có thế mạnh nông nghiệp, chính vì vậy tỉnh xác định phát triển nông nghiệp gắn với thương mại - dịch vụ để vực dậy tiềm năng, nhất là có nhiều chính sách kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Chợ Kinh Cùng từ khi đưa vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán, trao đổi hàng hóa. Ảnh: D.KHÁNH

Thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp

Hiện nay, bên cạnh cây trồng chủ lực là lúa, trong vài năm gần đây, thông qua phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cây ăn trái dần trở thành một loại cây trồng chủ lực mới, với diện tích canh tác toàn tỉnh hơn 43.000ha. Bên cạnh chuyển đổi, mở rộng diện tích thì các địa phương cũng đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư thành lập các công ty, doanh nghiệp chế biến để gắn kết tiêu thụ nông sản cho người dân trong vùng.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trước đây, việc kêu gọi doanh nghiệp vào bao tiêu, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp rất khó, bởi người dân quen với việc làm ăn riêng lẻ truyền thống, chưa thể gắn kết phát triển theo chuỗi giá trị. Nhưng vài năm trở lại đây thì người dân đã có ý thức, chủ động liên kết lại thông qua việc tham gia các tổ hợp tác, các HTX, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Chính vì thế, đến nay Phụng Hiệp đã kêu gọi được 20 doanh nghiệp vào đầu tư và bao tiêu nông sản cho nông dân trong huyện.

Bên cạnh việc xây dựng ổn định vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp thì để tạo môi trường thông thoáng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, hiện nay Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tổ chức công tác tài chính, kế toán; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật,… Triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Chính sách đi đôi với hành động, đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư. Như Công ty Westfood (thành phố Cần Thơ), với dự án phát triển cây khóm MD2 trên vùng đất xã Phương Bình. Từ một vài héc-ta đầu tư ban đầu với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, hiện công ty mở rộng diện tích đầu tư bao tiêu lên 100ha và mục tiêu là 500ha trong những năm tới.

Ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Westfood, cho biết: Công ty quyết định chọn Phương Bình để làm vùng nguyên liệu khóm MD2 cho công ty, ngoài việc được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp huyện trong việc vận động người dân tham gia, một thuận lợi khác nữa là vùng đất này đã được lên liếp sẵn và quy hoạch tập trung nên khi phát triển cây khóm rất phù hợp. Hiện nay, bà con đang làm theo phương thức tập thể nên việc triển khai khoa học kỹ thuật và thu gom sản phẩm của công ty cũng gặp nhiều thuận lợi.

Hoàn chỉnh hạ tầng thương mại

Không chỉ tập trung đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp mà các địa phương trong tỉnh còn đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thông qua việc kêu gọi xây dựng các khu dân cư thương mại, nâng chất các chợ về gắn kết tiêu thụ nông sản. Tính đến nay, huyện Phụng Hiệp đã kêu gọi được 6 trung tâm thương mại, hiện đã đưa vào khai thác 3 trung tâm.

Đưa vào sử dụng cuối năm 2020, nhà lồng chợ Kinh Cùng thuộc dự án Khu dân cư thương mại Hồng Phát có gần 100 lô sạp bày bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương tại chợ, cho biết: “Trước đây chợ Kinh Cùng khá chật hẹp, bà con tràn ra mặt lộ bán các mặt hàng nông sản dẫn đến việc ùn tắc giao thông vào mỗi buổi sáng. Nhưng từ khi nhà lồng chợ mới đưa vào sử dụng, có phân chia từng khu vực mua bán, đặc biệt khu vực chợ nông sản được bố trí cặp sông tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho bà con tiểu thương. Từ một khu chợ ọp ẹp, giờ chợ Kinh Cùng được đánh giá là một trong những chợ đẹp trong tỉnh”.

Phụng Hiệp có 15 xã, thị trấn, đến nay huyện đã quy hoạch xây dựng được 14 chợ. Điểm đặc biệt là các chợ ở huyện Phụng Hiệp đều có tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi ngang, góp phần quan trọng vào việc vận chuyển, giao thương hàng hóa của bà con trong huyện. Từ đó rút ngắn được khoảng cách của thành thị và nông thôn. Ông Lê Phi Hùng, người dân ở thị trấn Kinh Cùng, cho biết: “Chợ nào mà có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi ngang thì rất phát triển. Bởi khi có đường rộng rãi, ngoài việc đi lại thuận lợi còn tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển theo”.

Hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống giao thông được phủ kín, kết hợp với các chợ được đầu tư nâng cấp đã thúc đẩy cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ ở huyện Phụng Hiệp phát triển. Tính đến nay, toàn huyện có 200 doanh nghiệp, công ty và 1.340 cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, thủy sản, xây dựng. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 10 tháng năm 2021 của huyện đạt 3.901 tỉ đồng, bằng 98,49% so cùng kỳ năm 2020.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết: Việc phát triển đô thị trên địa bàn tạo điều kiện cho bà con kinh doanh mua bán và giao lưu trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản. Năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn nông sản của người dân khó bán do các công ty, doanh nghiệp và hệ thống thương lái bên ngoài khó tiếp cận vào địa bàn. Tuy nhiên, hệ thống các chợ trong huyện đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc tiêu thụ nông sản của bà con.

Cũng theo ông Tùng, trong thời gian tới huyện Phụng Hiệp sẽ tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Tạo thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 400 doanh nghiệp và đến năm 2030 có trên 500 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện.

Theo Sở Công thương tỉnh, hạ tầng thương mại trên địa bàn luôn được quan tâm đầu tư, trong 72 chợ truyền thống thì có khoảng 40% số chợ do doanh nghiệp đầu tư. Trong tỉnh còn có các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, cửa hàng bách hóa, phân bố đều trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... Một số đơn vị còn tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, giao hàng tận nhà góp phần hạn chế tụ tập đông người tại các điểm bán hàng…

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>