WHO công bố định nghĩa về Covid-19 kéo dài

12/10/2021 | 09:05 GMT+7

Đây là một bước đi quan trọng nhằm tiêu chuẩn hóa sự công nhận những bệnh nhân sống trong tình trạng sau Covid-19.

Các triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

WHO định nghĩa, Covid kéo dài là tình trạng sau khi mắc Covid-19. Nó thường xảy ra trong khoảng 3 tháng kể từ khi mắc bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và những triệu chứng khác thường ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

WHO hy vọng việc công bố định nghĩa về Covid kéo dài sẽ giúp các bác sĩ và nhân viên y tế nhận ra bệnh nhân để điều trị, can thiệp và có lộ trình chăm sóc phù hợp.

Ước tính, 10-20% bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.

Trong đó, một nghiên cứu mới phát hiện, đại dịch Covid-19 đã làm tăng gần 1/3 số người mắc chứng rối loạn trầm cảm và lo âu ở hơn 200 quốc gia trên thế giới hồi năm ngoái.

Theo nghiên cứu, mặc dù các rối loạn tâm thần là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng về sức khỏe toàn cầu trước cả khi đại dịch bùng phát, nhưng sự lây lan của vi-rút corona chủng mới cùng các biện pháp phong tỏa, hạn chế tiếp sau đó để chống lại mầm bệnh nguy hiểm này đã làm vấn đề thêm trầm trọng.

Các nhà nghiên cứu thống kê, trong năm 2020, thế giới có thêm 76,2 triệu ca rối loạn lo âu và 53,2 triệu ca rối loạn trầm cảm, tương đương mức tăng 27,6% so với năm trước đó.

Để đo lường tác động của đại dịch đối với bất kỳ khu vực cụ thể nào, nhóm nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ mắc vi-rút hàng ngày, các hạn chế về việc đi lại của mọi người và tỷ lệ tử vong vượt mức hàng ngày. Kết quả là, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất xét về 2 tiêu chí đầu tiên tương ứng với những khu vực tăng vọt tỷ lệ mắc chứng rối loạn trầm cảm và lo âu. Song, không có sự tương đồng nào được ghi nhận, xét về tiêu chí thứ 3.

Do đó, nghiên cứu kết luận, sự gia tăng ca mắc Covid-19 và giảm khả năng di chuyển có “liên quan đáng kể” đến tình hình sức khỏe tâm thần xấu đi.

Nhóm nghiên cứu cũng khám phá ra rằng, phụ nữ bị ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe tâm thần nhiều hơn đàn ông trong đại dịch. Những người trẻ tuổi chịu tác động lớn hơn nhóm lớn tuổi hơn, vì họ bị thiếu tương tác bạn bè đồng trang lứa sau khi các trường học phải đóng cửa và nhà chức trách cho triển khai các hạn chế xã hội khác. Ngoài ra, những người trẻ tuổi cũng nhiều khả năng bị thất nghiệp trong và sau khủng hoảng kinh tế hơn so với những người lớn tuổi hơn.

Nhóm nghiên cứu cảnh báo, các rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ làm gia tăng nguy cơ về các chứng bệnh khác và tình trạng tự tử. Họ kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới nên tăng cường các hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân.

Theo các nhà nghiên cứu, có hơn 200 triệu chứng sau khi mắc Covid. Các triệu chứng phổ biến của di chứng sau khi mắc Covid bao gồm: Cực kỳ mệt mỏi; khó thở; hồi hộp, lo lắng; đau hoặc tức ngực; các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung (còn gọi là hội chứng sương mù não); khó ngủ (mất ngủ); tim đập nhanh; chóng mặt; đau khớp; trầm cảm và lo âu; ù tai, đau tai; cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn; nhiệt độ cao, ho, nhức đầu, đau họng, thay đổi khứu giác hoặc vị giác; phát ban...

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>