Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược “zero Covid” đến khi nào ?

18/10/2021 | 08:51 GMT+7

Trong vài tháng qua, một số nước châu Á-Thái Bình Dương từng theo đuổi thành công chiến lược “zero Covid” (tức cố gắng đưa số ca mắc Covid-19 về 0) trong một thời gian dài chống đại dịch này, đã có dấu hiệu chuyển đổi quan điểm sang “sống chung với vi-rút SARS-CoV-2”. Bối cảnh này khiến người ta chú ý đến việc liệu Trung Quốc có thay đổi cách tiếp cận của mình trong chống dịch ?

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc, hôm 21-7.   Ảnh: AFP

Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên kiểm soát được dịch Covid-19 thông qua phong tỏa nghiêm ngặt, cách ly bắt buộc, xét nghiệm diện rộng, truy vết gắt gao, và kiểm soát chặt chẽ biên giới. Kể từ đó, cuộc sống thường nhật đã cơ bản trở lại bình thường, các nhà máy bắt đầu đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu trong bối cảnh hoạt động sản xuất bị đình trệ ở các nơi khác trên thế giới do đại dịch viêm đường hô hấp cấp.

Hiện có nhận định cho rằng Trung Quốc sẽ không mở cửa biên giới cho tới sau Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh - dự kiến được tổ chức vào tháng 2-2022 và có khả năng sẽ áp dụng các giao thức xét nghiệm và cách ly chặt chẽ nhất đối với các vận động viên và quan chức nước ngoài được thấy có mặt tại Thế vận hội Tokyo diễn ra vừa qua. Một số nhà quan sát cho rằng các lệnh hạn chế còn được kéo dài hơn nữa, có thể tới sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2022.

Nhưng khi phần còn lại của thế giới tái mở cửa và hướng tới việc coi vi-rút SARS-CoV-2 như yếu tố gây bệnh đặc hữu, liệu Trung Quốc có khả năng tiếp tục ở lại trong nhóm những nước cuối cùng gắn kết trở lại với cộng đồng quốc tế sau đại dịch?

Hai chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Trung Quốc cho rằng có thể nới lỏng kiểm soát trong bối cảnh gần 85% dân số được tiêm vắc-xin Covid-19. “Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể duy trì điều này về dài hạn, vì đây là dịch bệnh toàn cầu và chúng ta phải phối hợp với thế giới để vượt qua nó”, Zhong Nanshan, chuyên gia dịch bệnh hàng đầu Trung Quốc, nói trên một tạp chí hồi tháng trước.

Ông cho rằng những biện pháp phong tỏa dài hạn và kiểm soát chặt chẽ không thể kéo dài quá lâu, bởi những phương án chặt chẽ nhất cũng sẽ mất tác dụng vì gánh nặng đặt ra với chính quyền và người dân. “Các quốc gia, đặc biệt là nước lớn, cần đạt tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp, tỷ lệ tiêm chủng cao từ 80-85% và tỷ lệ tử vong thấp trước khi có thể mở cửa hoàn toàn”, bác sĩ Zhong nói thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc George Gao cho rằng nước này có khả năng mở cửa khi 85% dân số được tiêm chủng vào đầu năm 2022.

Các phát biểu gần như không gặp sự phản đối từ chính quyền, dường như là phép thử về khả năng Bắc Kinh từ bỏ chiến lược “không Covid-19”, dù nước này vẫn khẳng định các biện pháp đóng cửa và kiểm soát chặt chẽ là cách duy nhất để đối phó dịch bệnh.

Điều này trái ngược với phản ứng của giới chức Trung Quốc hồi tháng 8, khi chuyên gia bệnh truyền nhiễm Zhang Wenhong bị chỉ trích mạnh mẽ vì đề xuất sống chung với Covid-19. Ông sau đó bị điều tra về nghi án đạo văn khi thực hiện luận văn nhưng được xác định vô tội.

Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới với khách du lịch và chỉ cấp visa cho một số trường hợp cụ thể. Những người nhập cảnh phải cách ly 14-21 ngày và trải qua nhiều đợt xét nghiệm Covid-19. Giới chức cấm người dân tự xét nghiệm tại nhà và phải đến các cơ sở được chỉ định để tránh để lọt những ca dương tính nCoV.

Tuy nhiên, sự mệt mỏi và tự mãn đã xuất hiện ở nhiều nơi sau hai năm áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, trong khi biến chủng Delta đã gây ra hai đợt bùng phát lớn ở nhiều tỉnh của Trung Quốc những tháng qua.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>