Triều Tiên gia tăng khả năng răn đe hạt nhân ?

01/09/2021 | 07:49 GMT+7

Nhiều tín hiệu cho thấy, Triều Tiên đang khởi động các lò hạt nhân để phản ứng lại cuộc tập trận Mỹ - Hàn. Đây là chuyện không mới nhưng nó ảnh hưởng đến quan hệ liên Triều vừa được nhen nhóm gần đây.

Tháp làm mát tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, Triều Tiên. Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Triều Tiên vừa ra thông cáo cho biết nước này phản đối Hàn Quốc và Mỹ tổ chức cuộc tập trận quân sự chung mùa Hè mới đây, đồng thời tuyên bố tăng cường khả năng “răn đe hạt nhân” đủ mạnh để đối phó và loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài.

Thông cáo trên được đưa ra sau khi Seoul và Washington đã kết thúc cuộc tập trận quân sự chung hôm 26-8, vốn được tổ chức với quy mô thu nhỏ do diễn biến dịch bệnh Covid-19 và các nỗ lực hòa bình liên quan tới Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo về việc Bình Nhưỡng dường như đã tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.

Cụ thể, IAEA cho biết nhiều khả năng Triều Tiên đã mở lại một lò phản ứng tại tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon để sản xuất plutoni, loại vật liệu có thể giúp nước này chế tạo vũ khí hạt nhân. IAEA cho biết từ đầu tháng 7 đã xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy “lò phản ứng hoạt động, trong đó có việc xả nước làm mát”. Theo các chuyên gia IAEA, lò phản ứng này dường như đã ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 12-2018 đến đầu tháng 7-2021. IAEA cũng lưu ý rằng Triều Tiên sử dụng một phòng thí nghiệm gần lò phản ứng để tách plutoni khỏi nhiên liệu đã qua sử dụng lấy ra từ lò phản ứng.

Theo chuyên gia IAEA, động thái chưa xác định này của Triều Tiên “gây quan ngại sâu sắc” và vi phạm một cách rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Phản ứng trước động thái trên của Triều Tiên, Washington cho biết Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác về những diễn biến liên quan tới Triều Tiên. Mỹ khẳng định, nước này sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng để giải quyết các vấn đề về phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Noh Kyu-duk đang có chuyến đi Mỹ, cũng nỗ lực tìm giải pháp để tái đàm phán hạt nhân với Triều Tiên và tập trung thảo luận về các dự án nhân đạo liên Triều một cách cụ thể hơn. Ngoài ra, hai bên cũng chia sẻ quan điểm về việc Mỹ đưa ra biện pháp giảm nhẹ trừng phạt, đổi lại Triều Tiên từng bước tiến tới phi hạt nhân hóa. Ông Noh Kyu-duk nhấn mạnh rằng: “Chính phủ Hàn Quốc đã có một loạt cuộc tham vấn sâu với chính quyền Tổng thống Joe Biden để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân càng sớm càng tốt”.

Trước đó, trong chuyến thăm Seoul vừa qua, Đặc phái viên Mỹ Sung Kim đã nói rằng chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án hợp tác nhân đạo liên Triều. Ông Sung Kim cho biết, Mỹ sẵn sàng giải quyết đầy đủ các vấn đề liên quan khi có cơ hội.

Trước đó, Triều Tiên cũng đưa ra điều kiện để tái đàm phán là Mỹ và các quốc gia liên quan phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Trong đó bao gồm việc cấm nước này xuất khẩu kim loại và nhập khẩu nhiên liệu tinh chế cùng các nhu yếu phẩm khác.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vì nước này vẫn theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp các nghị quyết của LHQ. Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006, và đã bắn thử các tên lửa có thể tấn công Mỹ. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng áp đặt các đòn trừng phạt riêng nhằm vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, Triều Tiên không thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa (ICBM). Từ năm 2018 đến nay, Mỹ - Triều đã có 3 cuộc gặp gỡ cấp cao để đàm phán việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên nhưng không đạt được tiến bộ nào.

Giới phân tích cho rằng, quan hệ liên Triều đang có những tiến triển khả quan. Đây là nền tảng để tái khởi động đàm phán Mỹ - Triều. Do vậy, các bên liên quan sẽ không gây thêm căng thẳng nhằm tạo điều kiện xúc tiến đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được cả  thế giới mong đợi.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>