Tổng thống Pháp Macron sẽ làm gì sau thất bại bầu cử Quốc hội ?

22/06/2022 | 08:43 GMT+7

Đúng như dự đoán, liên đảng ủng hộ Tổng thống Pháp đã thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội khi chiếm không đủ đa số ghế theo quy định. Điều này sẽ là bài toán khó đối với ông Macron.

Tổng thống Pháp Macron đối mặt với khó khăn lớn sau bầu cử Quốc hội.

Bộ Nội vụ Pháp vừa thông báo, kết quả vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, liên minh “Chung sức” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành số ghế nhiều nhất, là 246/577 ghế và Liên minh các đảng cánh tả mang tên “Liên minh nhân dân xã hội và sinh thái mới” (Nupes) về thứ hai với số ghế giành được là 142 ghế. Về thứ ba là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen với 89 ghế. Kết quả này là một thất bại lớn đối với liên minh “Chung sức” của ông Macron bởi không vượt qua con số 289 ghế để giành đa số tại Quốc hội Pháp.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 cũng đã đưa nền chính trị Pháp vào một cục diện chưa có tiền lệ kể từ năm 1958, đó là không có một đa số tại Quốc hội và trong 10 nhóm đảng hiện diện tại Quốc hội Pháp, có đến 7 nhóm đảng đứng về phía đối lập với Tổng thống và 3 trong số đó có trên 58 nghị sĩ, tức đủ điều kiện để đưa ra các yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ Pháp bất cứ khi nào. Ngoài ra, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 cũng chứng kiến những chi tiết đáng chú ý khác, như lần đầu tiên đương kim Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, ông Richard Ferrand, thất cử. Tất cả những điều này đang có nguy cơ đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn.

Như vậy, thế chia 3 trong nền chính trị Pháp được hình thành rõ rệt hơn. Trong đó, liên đảng ủng hộ Tổng thống đương nhiệm lại có số ghế ít hơn dự kiến tại Quốc hội và đảng cực hữu lại giành nhiều ghế hơn dự kiến.

Do vậy, kịch bản duy nhất và mang tính khả thi của Tổng thống Macron là liên minh với 2 đảng cánh hữu là “Những người Cộng hòa” và Liên minh dân chủ độc lập (UDI). Hai đảng này giành được 64 ghế nên nếu 2 đảng này chấp nhận liên minh với liên đảng “Chung sức” thì ông Macron sẽ có đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp.

Tuy nhiên, ngay trong tối 19-6, Chủ tịch đảng “Những người Cộng hòa” Christian Jacob đã tuyên bố rằng đảng của ông không chấp nhận liên minh với ông Macron và sẽ đứng về phía đối lập. Quan điểm này có thể thay đổi trong những ngày tới khi các bên tiến hành đàm phán và đưa ra các nhượng bộ, trao đổi, nhưng hiện tại trong nội bộ đảng “Những người Cộng hòa” sự phản đối ông Macron đang ở mức rất cao bởi nhiều thành viên đảng này coi ông Macron là nguyên nhân lớn nhất gây chia rẽ và làm suy yếu cánh hữu trong vài năm qua. Điều này đồng nghĩa với khả năng liên kết để tăng thêm ghế chiếm đại đa số trong Quốc hội của ông Macron là không khả thi.

Nếu tình huống xấu này diễn ra thì chính quyền của ông Macron sắp tới sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nguy cơ tê liệt hệ thống chính trị có khả năng xảy ra, bởi bất cứ một quyết sách, một cải cách nào của ông Macron cũng đều cần có sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội Pháp.

Giới phân tích chính trị Pháp cho rằng, trước mắt ông Macron chỉ có thể vận động các nghị sĩ ôn hòa của cánh hữu và cánh tả đối với từng dự án, từng dự luật cụ thể để có đủ 289 phiếu ủng hộ nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và sớm muộn, ông Macron có lẽ sẽ phải tính đến phương án sử dụng điều 12 Hiến pháp đó là giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử lại.

Tuy nhiên, theo quy định việc giải tán Quốc hội chỉ có thể được thực hiện sau 1 năm diễn ra cuộc bầu cử, tức sang năm 2023 ông Macron mới có thể hy vọng tổ chức một cuộc bầu cử mới để thay đổi cán cân trong Quốc hội Pháp. Điều này cũng có nghĩa là từ nay đến khi đó, các quyết sách lớn, các dự án cải cách mà ông Macron ấp ủ thực hiện sẽ bị đóng băng hoàn toàn.

577 nghị sĩ của Quốc hội Pháp khóa mới sẽ chính thức bắt đầu công việc trong tuần tới, ngày 28-6, nhưng hiện một số nghị sĩ thuộc cánh tả đối lập đã lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne. Phe đối lập cánh tả sẽ đệ trình đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà Borne khi Quốc hội Pháp nhóm họp trong thời gian tới.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>