Tín hiệu khả quan cho Venezuela

20/05/2022 | 08:34 GMT+7

Việc chính quyền Venezuela nối lại đàm phán với phe đối lập khiến Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt Caracas đã mở ra triển vọng phục hồi kinh tế cho quốc gia này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. Nguồn: Bloomberg

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodriguez đã dẫn đầu phái đoàn chính phủ đàm phán với phe đối lập do ông Gerardo Blyde làm Trưởng đoàn. Ông Rodriguez cho rằng: “Cuộc họp để xác định kế hoạch cho tương lai. Hãy cứu lấy tinh thần Mexico”.

Hồi tháng 8-2021, Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập đã bắt đầu đàm phán tại thành phố Mexico, song đã bị gián đoạn kể từ tháng 10 sau khi nhà ngoại giao Alex Saab bị dẫn độ từ Cape Verde đến Mỹ.

Trước khi tạm ngừng, cả hai phái đoàn đã ký một biên bản ghi nhớ 7 điểm, trong đó có các quyền chính trị, bảo đảm bầu cử và lịch trình bầu cử, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, tôn trọng pháp quyền, cùng tồn tại chính trị và xã hội, bảo vệ nền kinh tế xã hội, bảo đảm thực hiện và theo dõi.

Trong khi đó, phe đối lập nước này thông báo sẽ thực hiện một tiến trình bầu cử sơ bộ rộng rãi và đa dạng trong năm 2023 để lựa chọn ứng viên ra tranh cử chức Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra một năm sau đó.

Liên minh Plataforma Unitaria cho biết, ứng cử viên của tất cả các đảng phái đối lập và dân chủ đều có thể tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ, qua đó tìm kiếm người đại diện xứng đáng nhất trong một tiến trình lựa chọn khắt khe để hướng tới chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.

Trong một động thái liên quan, Mỹ cũng vừa thông báo quyết định nới lỏng có giới hạn một số biện pháp trừng phạt Venezuela nhằm thúc đẩy tiến trình đối thoại ở quốc gia Nam Mỹ này.

Theo đó, biện pháp nới lỏng trừng phạt có liên quan “giấy phép hạn chế” được cấp cho tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ trong khuôn khổ lệnh bao vây mà Washington áp đặt với ngành dầu khí của Venezuela từ năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ cho phép Chevron thương lượng những điều khoản đối với các hoạt động có thể được thực hiện trong tương lai tại Venezuela nhưng không cho phép ký kết bất kỳ thỏa thuận mới nào với Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng dự kiến sẽ công bố một số biện pháp nới lỏng khác trong thời gian tới đối với Venezuela.

Venezuela rơi vào khủng hoảng chính trị kể từ khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự xưng là “tổng thống lâm thời” ngày 23-1-2019. Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido. Chính quyền Washington công nhận ông Guaido, cho phép ông này kiểm soát các tài khoản ngân hàng của Venezuela tại Mỹ, đồng thời yêu cầu Venezuela tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn. Đi cùng với ủng hộ này là các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này làm cho nền kinh tế Venezuela suy thoái trầm trọng.

Trong khi đó, các nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống hợp hiến Maduro.

Hệ quả của một quốc gia có 2 vị tổng thống đã dẫn đến tình hình chính trị bất ổn, kinh tế suy thoái, đời sống của người dân lâm vào cảnh khốn đốn, mặc dù Venezuela là nước đã từng xuất khẩu dầu mỏ nằm trong tốp đầu thế giới.

Do vậy, việc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt không chỉ xúc tiến đàm phán gữa chính phủ và phe đối lập tiến tới bầu cử hợp pháp mà còn tạo điều kiện để Venezuela phục hồi kinh tế, ổn định đời sống người dân. Đây là tín hiệu khả quan cho quốc gia Nam Mỹ này trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>