Thêm nghiên cứu mới về Covid-19

04/01/2022 | 08:35 GMT+7

Những nghiên cứu mới đem lại hy vọng lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Viện Khoa học Y khoa thủ đô Tokyo đang nghiên cứu một loại vắc-xin Covid-19 đem lại khả năng miễn dịch suốt đời. Ảnh: ISTOCK

Nhà khoa học Michinori Kohara và nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Y khoa thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã tạo ra loại vắc-xin mới dựa trên vắc-xin chống bệnh đậu mùa. Qua kết quả thử nghiệm, ông Kohara tự tin vắc-xin mới không chỉ cung cấp kháng thể mạnh mẽ với một liều duy nhất mà còn duy trì được khả năng bảo vệ con người khỏi Covid-19 lâu dài.

Các thử nghiệm được thực hiện trên chuột cho thấy những con chuột được tiêm loại vắc-xin này có thể duy trì lượng kháng thể cao trong hơn 20 tháng. Nếu tiêm liều vắc-xin thứ hai cho vật thí nghiệm sau 3 tuần, các kháng thể sẽ tăng gấp 10 lần.

Kohara cho biết thêm, loại vắc-xin này ít tác dụng phụ hơn so với các loại vắc-xin được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng sử dụng vắc-xin này với 4 loại biến thể Covid-19 được cho là “đáng lo ngại”, kết quả cho thấy sản phẩm thử nghiệm có thể chống lại tất cả các biến thể này. Ông Kohara hy vọng vắc-xin mới có tác dụng chống lại Omicron.

Trong khi đó, Công ty công nghệ Epicenter - có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) đã nghiên cứu phát triển hộ chiếu vắc-xin Covid-19 dạng vi mạch, có thể cấy vào cơ thể người.

Sau khi con chip được cấy vào, dữ liệu hộ chiếu vắc-xin có thể được lưu trữ trên đó bằng công nghệ NFC - chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn, cho phép liên kết với các thiết bị có hỗ trợ như điện thoại.

Anh Hannes Sjoblad - Giám đốc phát triển sản phẩm, hãng Epicenter chia sẻ: “Tôi đã cấy chip vào cánh tay của mình và lập trình để thông tin về hộ chiếu vắc-xin hiển thị trên chip. Chỉ cần đưa vào điện thoại, mở tệp tin PDF ra, đưa tay ra là quét được mã. Đi xem phim hoặc đến mua sắm chẳng hạn không cần lục tìm chứng nhận tiêm chủng hoặc mở điện thoại nữa, tính bảo mật cũng cao hơn vì nó không thể bị mất trộm”.

Epicenter cho biết, bất kỳ ai chọn cấy vi mạch sau đó đều có thể thay đổi ý định và dễ dàng gỡ bỏ thiết bị khỏi cơ thể. Trong trường hợp điện thoại hết pin, người dùng vẫn có thể sử dụng hộ chiếu vắc-xin này.

Trong nhiều năm qua, hãng Epicenter chuyên phát triển các vi mạch có kích thước bằng hạt gạo cấy được vào cơ thể với nhiều tính năng như thẻ để mở cửa, thẻ đi phương tiện giao thông công cộng hoặc thẻ tín dụng. Cho đến nay, khoảng 6.000 người Thụy Điển đã cấy những loại chip như vậy vào tay.

Còn nghiên cứu tại Anh mang lại thông tin lạc quan khi cho thấy biến thể Omicron gây nguy cơ nhập viện thấp hơn hẳn so với Delta. Theo kết quả phân tích tại Anh đối với hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19 trong vài tuần qua, biến thể Omicron gây nguy cơ nhập viện chỉ bằng 1/3 so với Delta.

Phân tích trên được xuất bản bởi Cơ quan An ninh y tế Anh (HSA), sau khi phối hợp cùng Đơn vị Thống kê sinh học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Đại học Cambridge để phân tích 528.176 ca nhiễm Omicron và 573.012 ca nhiễm Delta.

“Trong phân tích này, nguy cơ nhập viện là thấp hơn với các ca nhiễm Omicron có và không có triệu chứng sau 2 và 3 mũi tiêm vắc-xin, với mức giảm là 81% đối với người đã tiêm 3 mũi so với những người chưa tiêm khi nhiễm Omicron”, theo HSA.

Cố vấn y tế trưởng Susan Hopkins của HSA cho biết phân tích trên là dấu hiệu tích cực nhưng các cơ sở y tế có thể vẫn phải đối phó với mức lây nhiễm cao.

“Vẫn còn quá sớm để kết luận chắc chắn về mức độ nghiêm trọng lâm sàng, mức độ gia tăng lây nhiễm của Omicron. Số ca gia tăng ở những người trên 60 tuổi tại Anh có nghĩa là nhiều khả năng hệ thống y tế chịu áp lực lớn trong vài tuần tới”, theo bà Hopkins.

Số liệu ngày 31-12-2021 cho thấy có 12.395 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện ở Anh, cao hơn con số 11.542 vào một ngày trước đó và đang theo xu hướng tăng đều. Tuy nhiên, con số này hiện vẫn thấp hơn nhiều so với hơn 34.000 bệnh nhân hồi tháng 1-2021.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>