Thế giới với nỗi lo lạm phát

21/06/2022 | 13:00 GMT+7

Lạm phát kèm suy thoái - hiện tượng kinh tế chưa từng chứng kiến kể từ những năm 1970 là những gì phương Tây có thể phải đối mặt như một hệ quả của làn sóng trừng phạt Nga.

Chi phí năng lượng công nghiệp đang tăng vọt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, cản trở khả năng cạnh tranh trên toàn cầu của các nhà sản xuất châu Âu.

Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Mỹ nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể đối mặt với những rủi ro hơn nữa nếu Trung Quốc siết chặt các biện pháp phong tỏa. Họ cho biết giá năng lượng tăng vọt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine “đã khiến lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới, điều này đã buộc các ngân hàng trung ương phải có lập trường thắt chặt hơn”.

Vào hôm 13-6, Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (MS.N) James Gorman cho biết, khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái là 50%. Ông cảnh báo các nhà đầu tư có thể phải đối mặt với một chặng đường “gập ghềnh” phía trước.

Theo hãng tin Reuters, cả Giám đốc tài chính Alastair Borthwick của Ngân hàng Mỹ và Giám đốc điều hành James Gorman của Ngân hàng Morgan Stanley (MS.N) đều nhận định môi trường ngân hàng đầu tư đầy thách thức, bởi ngày càng ít công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường nhiều biến động.

Có một số lý do cho việc lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm qua, lên 8,6% vào tháng trước ở Mỹ, trong đó bao gồm giá thuê nhà và chi phí lao động tăng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng nguyên nhân chính là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như sự gián đoạn của các loại hàng hóa do cuộc chiến này gây ra.

Lạm phát kèm suy thoái xảy ra khi tăng trưởng chậm lại đáng kể nhưng lạm phát cao và giá cả tăng. Mỹ chưa từng xảy ra hiện tượng này kể từ những năm 1970. Vào thời điểm đó, giá dầu tăng cao dẫn tới tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng và giá cả ở mức cao trong một thời gian liên tục. Bối cảnh hiện nay khác với những năm 1970 nhưng một cuộc chiến kéo dài ở châu Âu có thể dẫn đến những rủi ro tương tự.

Phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, phương Tây đã áp một loạt lệnh trừng phạt nặng nề lên nền kinh tế Nga. Hàng trăm công ty quốc tế đã rời khỏi quốc gia này và sự cô lập đó khiến GDP của Nga tổn thất 3,5% trong quý đầu tiên.

Tuy nhiên, thậm chí cả khi nền kinh tế chịu tổn thất, Nga vẫn có khả năng chi phối giá cả toàn cầu, từ năng lực đến lương thực. Các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu gây tổn thất cho nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới do giá năng lượng gần đây tăng cao khiến các nhà máy phải đóng cửa và tăng trưởng chậm lại ở khắp châu Âu và Mỹ. Điều đó cho thấy Nga có nhiều công cụ để gây ảnh hưởng hơn so với những gì các nhà lãnh đạo phương Tây tính toán.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng gây ra sự sụt giảm đáng kể nguồn cung năng lượng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác, điều vốn đã tồi tệ do những vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19 và việc các trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc bị phong tỏa. Sự thiếu hụt nguồn cung và giá năng lượng tăng cao do chiến tranh cũng bắt đầu buộc các nhà máy ở châu Âu phải đóng cửa. Sản xuất và sản lượng công nghiệp ở Mỹ cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Sản lượng công nghiệp thấp có thể là dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái đang đến gần, theo như những gì các nhà kinh tế học dự báo. Thêm vào đó, giá năng lượng tăng cao đẩy giá cả các loại hàng hóa tăng có thể là “sự kết hợp hoàn hảo” cho việc xuất hiện hiện tượng lạm phát kèm suy thoái.

Nếu chiến tranh tiếp diễn, các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, điều đó có thể gây ra những hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế Mỹ. Các chuyên gia bắt đầu cảnh báo về một mối đe dọa tài chính khác đã không xảy ra trong nhiều thập kỷ qua, đó là lạm phát kèm suy thoái, có nguy cơ xuất hiện trở lại.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>