Thế giới oằn mình chống dịch Covid-19 do Omicron gây ra

21/01/2022 | 07:49 GMT+7

Nhiều quốc gia trên thế giới đang đứng trước “đại dịch kép” vì biến thể Omicron và cúm mùa.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một ga tàu ở Mumnbai, ngày 13-1-2022. Ảnh: Reuters

Đó là cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) về đại dịch những ngày gần đây. Theo hãng tin RT, sự lây lan của cúm mùa đi kèm với Covid-19 đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ “đại dịch kép” kéo dài, trong khi sự lây lan cao của biến thể Omicron đã khiến nhiều người lo sợ về áp lực đang đè nặng lên những hệ thống y tế ở châu Âu, vốn đã bị quá tải.

Các chuyên gia y tế thuộc ECDC cho biết: “Sự kết hợp giữa phong tỏa Covid-19, tăng cường đeo khẩu trang và các yêu cầu giãn cách xã hội trên toàn châu lục đã gần như tiêu diệt dịch cúm mùa vào mùa đông năm ngoái”. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ các lệnh giãn cách gần đây sẽ khiến nguy cơ “đại dịch kép” của Covid-19 và cúm mùa bùng phát làm gia tăng áp lực lên các dịch vụ y tế vốn đã bị quá tải.

Theo đó, Pháp ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 464.000 ca, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng tại quốc gia châu Âu này. Tính trung bình trong tuần qua, Pháp có hơn 300.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Còn tại Đức cũng đã ghi nhận hơn 112.300 ca mắc mới và 239 ca tử vong, đánh dấu lần đầu tiên kể từ đầu dịch, Đức ghi nhận trên 100.000 ca mới trong một ngày. Hiện Đức đã siết chặt hơn nữa các biện pháp nhằm cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc giới hạn hoạt động của các quán bar và nhà hàng, chỉ có phép những người đã tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh được tới những địa điểm này. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cảnh báo, làn sóng lây nhiễm với biến thể mới Omicron ở nước này sẽ đạt đỉnh trong vài tuần tới, đồng thời kêu gọi nhanh chóng áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc để đẩy lùi làn sóng dịch tiếp theo.

Không chỉ châu Âu mà các châu lục khác cũng đang oằn mình chống chọi với Covid-19 từ biến thể mới Omicron.

Tại châu Mỹ, Mexico ghi nhận hơn 49.343 trường hợp mắc mới mỗi ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Ngoài ra, Mexico cũng có thêm 320 trường hợp tử vong do Covid-19 - mức tử vong theo ngày cao nhất kể từ cuối tháng 11-2021 đến nay. Mexico đã có tổng cộng hơn 4,4 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 301.789 ca tử vong.

Còn Brazil cũng vừa xác lập kỷ lục buồn khi ghi nhận 137.103 ca mắc mới và 351 ca tử vong. Đây là con số thống kê theo ngày cao nhất kể từ giữa tháng 11-2021, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh. Tính đến thời điểm này, Brazil đã ghi nhận 23,2 triệu trường hợp mắc bệnh, với 621.517 ca tử vong. Số ca lây nhiễm tăng đột biến tại Brazil kể từ đầu năm nay do sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng như các lễ hội nhân dịp Giáng sinh và năm mới. Hiện gần 70% dân số Brazil đã được tiêm chủng đầy đủ. Các chiến dịch tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi cũng sẽ được triển khai trong tuần này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết,  trong 7 ngày qua cho thấy số ca mắc mới Covid-19 ở nước này đã lên tới đỉnh điểm, với trên 700.000 người/ngày. CDC cũng nhận định, Mỹ đang ở đỉnh dịch và sẽ bước qua đỉnh của làn sóng Covid-19 mới nhất do biến thể Omicron trong tuần tới. Bởi lẽ, biểu đồ số ca mắc mới tăng nhanh và giảm nhanh có thể tương tự diễn biến dịch bệnh ở các quốc gia khác như Nam Phi, Anh và Pháp - 3 nước cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng Covid-19 do biến thể Omicron gây ra.

Hiện các quốc gia châu Á cũng đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới do Omicron gây ra. Trong đó nặng nề nhất vẫn là Ấn Độ với 282.970 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 37,9 triệu ca, cao thứ hai sau Mỹ.

Giới y khoa dự báo, dịch Covid-19 sẽ lây lan nhanh trên diện rộng trong những tuần tiếp theo bởi có quá nhiều lễ hội mùa xuân trên khắp thế giới. Các quốc gia cần nâng cao cảnh giác và chủ động phòng dịch bằng nhiều giải pháp.

Tính đến ngày 20-1, thế giới ghi nhận 335,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 5,57 triệu trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định phải mất thời gian dài nữa đại dịch Covid-19 mới có thể kết thúc, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây ra nguy cơ nào. Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên xem nhẹ biến thể Omicron vốn lây lan nhanh kể từ tháng 11-2021.                         

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>