Nhiều quốc gia lên án vụ đảo chính ở Guinea

08/09/2021 | 09:29 GMT+7

Việc lực lượng nổi dậy thuộc Quân đội Guinea đảo chính hôm 5-9 vừa qua đã làm nhiều quốc gia lên tiếng phản đối.

Binh sĩ Guinea tuần tra trên đường phố Conakry sau khi nhóm binh sĩ đặc nhiệm tiến hành cuộc binh biến bắt giữ Tổng thống và giải thể Chính phủ nước này. Ảnh: AFP

Theo đó, ngày 5-9, trong một thông báo bằng video, lực lượng đảo chính thuộc Quân đội Guinea tuyên bố đã bắt giữ Tổng thống Alpha Conde, giải tán chính phủ và xóa bỏ Hiến pháp, đồng thời đóng cửa biên giới.

Lực lượng đảo chính cũng tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc “cho tới khi có thêm thông báo” và thay thế các lãnh đạo khu vực. Đồng thời, lực lượng này cho biết sẽ triệu tập cuộc họp các bộ trưởng nội các của Tổng thống Conde cùng các quan chức hàng đầu khác tại thủ đô Conakry. Tuyên bố nêu rõ: “Bất cứ ai không tham dự sẽ bị coi là phiến quân chống lại Ủy ban phát triển và tập hợp quốc gia (CNRD)”.

Một nhà ngoại giao phương Tây ở Conakry giấu tên cho rằng, tình trạng bất ổn này có thể bắt đầu sau vụ sa thải một chỉ huy cấp cao trong lực lượng đặc nhiệm nói trên. Từ đó dẫn đến việc kích động một số thành viên được đào tạo chuyên sâu nổi loạn.

Tuy nhiên, theo trung tá Mamady Doumbouya, lãnh đạo các lực lượng làm binh biến, cáo buộc Tổng thống Guinea “chà đạp” lên các quyền lợi của nhân dân và khiến nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng “rối ren”. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc ông tiến hành đảo chính. Ông Doumbouya khẳng định: “Chúng ta sẽ không giao phó chính trị cho bất kỳ một người nữa mà sẽ giao phó cho người dân”.

Về sâu xa, vụ đảo chính này xuất phát từ cuộc bầu cử gần đây nhất được tổ chức vào tháng 10-2020 đã gây ra nhiều tranh cãi khi Tổng thống Conde thay đổi hiến pháp trước khi các cuộc bỏ phiếu diễn ra, cho phép ông tiếp tục tranh cử lần thứ ba. Không lâu sau tuyên bố trên, Bộ Quốc phòng Guinea cho biết, cuộc tấn công vào các lực lượng nổi dậy đã diễn ra thành công và quân đội sẽ trung thành với chính phủ cũng như đang nỗ lực để khôi phục trật tự thủ đô. Bộ này không đưa ra thông tin chi tiết về nơi ở của Tổng thống lúc bấy giờ, làm dấy lên những tranh cãi về việc ai đang thực sự nắm quyền ở quốc gia này.

Mặc dù lực lượng đảo chính tuyên bố đã chiến thắng, tuy nhiên tình hình trên thực địa tại quốc gia Tây Phi này, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra. Từ thực tiễn trên, nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan đã lên án vụ binh biến ở Guinea. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres lên án vụ đảo chính và kêu lực lượng nổi dậy trả tự do cho Tổng thống Alpha Conde. Ông Guterres đăng trên Twitter: “Cá nhân tôi đang theo dõi sát tình hình tại Guinea. Tôi lên án mạnh mẽ việc chiếm đoạt chính quyền bằng vũ lực và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Alpha Conde”.

Còn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh bạo lực và bất kỳ biện pháp nào ngoài phạm vi hiến pháp sẽ chỉ làm xói mòn triển vọng hòa bình của Guinea. Tuyên bố của bộ này nêu rõ: “Mỹ lên án những sự việc xảy ra ở Conakry. Những hành động đó có thể gây cản trở nỗ lực của Mỹ cũng như các đối tác quốc tế khác của Guinea hỗ trợ nước này hướng tới đoàn kết dân tộc và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân nước này”.

Cùng thời gian này, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc, Nigeria… cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ và bác bỏ bất cứ sự thay đổi chính phủ nào trái với hiến pháp. Đồng thời kêu gọi lực lượng tiến hành binh biến ở Guinea ngay lập tức khôi phục trật tự hiến pháp và bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Giới quan sát nhận định, lực lượng đảo chính ở Guinea hiện khó có thể  tuân thủ kêu gọi trả tự do và quyền hành cho Tổng thống Conde trong ngày một ngày hai. Điều này đồng nghĩa xung đột ở quốc gia này sẽ còn tiếp diễn và chưa có hồi kết.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>