Nguy cơ đối đầu hạt nhân trở thành hiện thực

11/08/2022 | 06:00 GMT+7

Dù có nhiều nỗ lực ngăn chặn nhưng nguy cơ đối đầu hạt nhân có thể quay trở lại sau nhiều thập kỷ.

Nhiều nước chi tiêu mạnh để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân. Nguồn: AP

Mới đây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ đối đầu hạt nhân có thể quay trở lại sau nhiều thập kỷ. Cảnh báo trên của ông Guterres được đưa ra hồi cuối tuần trước khi ông phát biểu với báo giới tại lễ tưởng niệm hòa bình Hiroshima ở Nhật Bản - dấu mốc 77 năm ngày xảy ra vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới tại thành phố này vào năm 1945.

Phát biểu trên được đưa ra nhằm đáp lại những báo cáo về đợt pháo kích mới của Nga nhằm tấn công cơ sở Zaporizhzhia ở Ukraine, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Ông Guterres nhấn mạnh, bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào một nhà máy hạt nhân là “hành động tự sát”. Qua đó, Tổng thư ký Antonio Guterres cũng kêu gọi các quốc gia sở hữu hạt nhân cam kết không sử dụng loại vũ khí hủy diệt này ở hiện tại và trong tương lai.

Trước đó, tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo rằng thế giới phải đối mặt với “một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh” và “chỉ cần một tính toán sai lầm cũng sẽ dẫn tới hủy diệt nhân loại bằng hạt nhân”.

NPT là hiệp ước quốc tế có hiệu lực vào năm 1970 để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. NPT có 191 thành viên. 5 nước không phải thành viên là Ấn Độ, Israel, Pakistan, Nam Sudan và Triều Tiên (rút khỏi NPT năm 2003). Kể từ khi NPT có hiệu lực, Hội nghị Kiểm điểm NPT được tổ chức 5 năm một lần nhằm bàn về các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện và tăng cường tính phổ cập của Hiệp ước, trong đó, năm 1995, Hội nghị đã thông qua việc gia hạn vĩnh viễn Hiệp ước NPT.

Gần đây nhất hồi tháng 1-2022, 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đã cam kết ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nỗi lo của ông Guterres hoàn toàn có cơ sở, bởi hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang ngấm ngầm chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân. Hiện trên thế giới có tổng cộng 13.000 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), cho biết, 9 quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi hơn 82 tỉ USD để nâng cấp kho vũ khí của các nước này trong năm 2021. Cụ thể, Mỹ là nước chi nhiều tiền nhất cho việc cải tiến kho vũ khí hạt nhân (44,2 tỉ USD), tiếp sau là Trung Quốc (11,7 tỉ USD), Nga (8,6 tỉ USD), Anh (6,8 tỉ USD), Pháp (5,9 tỉ USD), Ấn Độ (2,3 tỉ USD), Israel (1,2 tỉ USD) và Pakistan (1,1 tỉ USD). Ngoài ra, hiện còn có 2 nước là Triều Tiên và Iran cũng đang theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, với khoản chi khá lớn.

Giám đốc Chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI Wilfred Wan nhận định: “Tất cả quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đều đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ, đồng thời tăng cường luận điệu về hạt nhân và vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược quân sự. Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại”.

Mặt khác, xung đột Nga - Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev có thể coi là một trong những yếu tố mới nhất dẫn đến sự gia tăng báo động này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của nước này trong tình trạng báo động cao. Nếu như bị sức ép quân sự từ phương Tây thì Nga hoàn toàn có thể sử dụng đến thứ vũ khí hủy diệt này.

Cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân cũng là động thái gần đây của Iran và Triều Tiên khi trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Từ những diễn biến trên, nguy cơ đối đầu hạt nhân hoàn toàn có thể xảy ra nếu các quốc gia thiếu kiềm chế và NPT không được thực thi đầy đủ.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>