Người dân Thái Lan quan ngại khi hợp pháp hóa cần sa

14/06/2022 | 07:19 GMT+7

Sau khi việc loại bỏ cây cần sa khỏi danh sách các chất ma túy có hiệu lực từ ngày 9-6, hàng triệu người Thái Lan đã đăng ký để được nhận hạt giống trồng cần sa từ cơ quan chức năng.

Một công nhân kiểm tra cây cần sa tại một trang trại ở Nakhon Ratchasima, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, đang nổi lên những quan ngại về hệ lụy đối với thanh thiếu niên khi nhóm tuổi này có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng cần sa.

Tổ chức bác sĩ nhi khoa và giới nghiên cứu y học tại các trường đại học ở Thái Lan bày tỏ quan ngại trước việc thanh thiếu niên Thái Lan dễ dàng tiếp cận cần sa do thiếu các quy định phù hợp liên quan quản lý việc trồng và sử dụng cần sa. Thanh thiếu niên có thể sử dụng cần sa gây nghiện để giải trí hoặc sẽ lạm dụng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có hoạt chất từ cần sa. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển trí não của nhóm tuổi này.

Cũng đồng quan điểm này, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ lo lắng về những hệ lụy nguy hiểm liên quan phát triển thể chất, trí não của thanh thiếu niên khi sử dụng cần sa.

Các tổ chức xã hội dân sự liên quan chất gây nghiện cho rằng mặc dù việc hợp pháp hóa cần sa là nhằm mục đích y tế và kinh tế, song những quy định thông thoáng hiện nay có thể tạo điều kiện để nhiều người trộn cần sa vào thực phẩm hoặc tạo ra các sản phẩm mà những người không nghi ngờ có thể tiêu thụ. Hoạt chất tetrahydrocannabinol trong cần sa, được trộn trong thực phẩm có thể khiến người sử dụng bị say.

Các tổ chức xã hội dân sự về giao thông lên tiếng quan ngại về tình hình an toàn giao thông sẽ nghiêm trọng hơn do khả năng lái xe của người đi đường sẽ bị ảnh hưởng sau khi sử dụng cần sa. Nhiều ý kiến cho rằng luật giao thông đường bộ phải nhanh chóng điều chỉnh theo hướng hình phạt đối với những lái xe sử dụng cần sa nặng hơn mức phạt dành cho những người lái xe trong tình trạng có cồn.

Trước những quan ngại của người dân, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cho rằng việc hợp pháp hóa cần sa không nhằm mục đích giải trí. Ông Prayuth đã giao Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul chủ trì một hội đồng thảo luận về chính sách cần sa quốc gia để đảm bảo việc sử dụng phù hợp mục đích y tế của chính phủ.

Đề xuất của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan về việc loại bỏ cây cần sa và cây gai dầu khỏi danh sách các chất ma túy và quảng bá chúng như những cây trồng thu lợi nhuận đã được Nội các Thái Lan phê duyệt vào tháng 2 vừa qua và đã có hiệu lực vào ngày 9-6, 120 ngày sau khi được công bố trên Công báo Hoàng gia.

Tháng trước, Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul đã thông báo rằng người dân Thái Lan có thể trồng “bao nhiêu cây cần sa” tùy thích tại nhà của họ mà không cần phải xin phép. Tuy nhiên, cây cần sa sẽ chỉ được trồng như một loại thảo dược và chỉ được sử dụng cho mục đích y tế. Những doanh nghiệp lớn muốn trồng loại cây này sẽ phải xin phép Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan.

Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa, song Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã kêu gọi người dân sử dụng cần sa vì “lợi ích” thay vì những việc làm “gây hại”.

Tòa án Tư pháp Thái Lan mới đây thông báo những đối tượng hiện ở sau song sắt vì các cáo buộc liên quan đến cần sa sẽ được trả tự do khi cây cần sa được đưa ra khỏi danh sách chất ma túy Nhóm 5.

Người phát ngôn của Tòa án Tư pháp Thái Lan Sorawis Limparangsi hôm 4-6 cho biết tòa sẽ đình chỉ các vụ án liên quan đến cần sa đang chờ ngày xét xử hay phán quyết của tòa án. Theo ông Sorawis, điều này có nghĩa là những người đang bị tạm giam trong lúc đợi tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến các cáo buộc về cần sa sẽ được trả tự do.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>