Nga thắng thế ở chiến trường Ukraine: Phương Tây lúng túng

15/06/2022 | 10:43 GMT+7

Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn với lợi thế đang nghiêng về phía Nga đã làm cho Mỹ và các quốc gia phương Tây rơi vào tình huống khó.

Lực lượng khẩn cấp Ukraine dập lửa tại hiện trường một khu vực bị không kích trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ở Dnipro (miền Đông Ukraine) ngày 11-3. Ảnh: AFP/TTXVN

Như vậy sau hơn 100 ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine lợi thế đang thuộc về Nga. Cuộc chiến này đã và đang đẩy Ukraine rơi vào tình thế khốn khó nhiều khả năng phải dẫn tới cứu trợ nhân đạo.

Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định trận chiến Donbass ở miền Đông Ukraine “sẽ chắc chắn đi vào lịch sử quân sự như một trong các trận đánh tàn khốc nhất ở châu Âu và vì châu Âu”. Ông Zelensky đưa ra bình luận này sau khi giới chức quân sự Ukraine trước đó cũng trong ngày 13-6 cho hay, binh lính Ukraine đã bị đánh bật ra khỏi trung tâm thành phố Severodonetsk. Nhà lãnh đạo Zelensky cho biết, phía Nga đang sở hữu lợi thế so với Ukraine xét về mặt vũ khí khí tài, đặc biệt là trọng pháo. Tổng thống Ukraine thừa nhận “Cái giá của trận chiến này đối với chúng tôi là rất cao. Thực sự đáng sợ”. Từ đó ông tiếp tục kêu gọi Mỹ và các quốc gia liên quan cung cấp đủ cho Ukraine các loại pháo hiện đại.

Trong một diễn biến liên quan, truyền thông Ukraine đưa tin, hiện các lực lượng Nga đã pháo kích nhà máy nhiệt điện Vuhledar ở khu vực Donetsk thuộc vùng Donbass, miền Đông nước này. Vụ tấn công đã gây cháy dữ dội tại nhà máy nhiệt điện Vuhledar hôm 12-6. Một tòa nhà hành chính tại đây đã bị phá hủy.

Nhà máy nhiệt điện Vuhledar đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, binh lính Nga đã chiếm thành phố Svitlodarsk ở cách nhà máy khoảng 5km về phía Nam. Giao tranh dữ dội nhằm giành quyền kiểm soát nhà máy Vuhledar vẫn đang tiếp tục. Nhiều khả năng quân đội Nga sẽ chiếm nhà máy nhiệt điện này trong nay mai. Trong khi đó, quân đội Ukraine đang cạn kiệt dần vũ khí để chống chọi với các đợt giao tranh nên khả năng thất bại khó tránh khỏi.

 Cuộc chiến Nga-Ukraine đã kéo theo những rạn nứt giữa các nước phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine chống lại Nga. Mới đây, Ukraine thông báo, công ty quốc phòng Anh QinetiQ sẽ cung cấp cho nước này 10 robot công binh Talon để phục vụ các hoạt động rà phá bom mìn. Ông Oleksiy Biloshitsky, Phó trưởng cảnh sát tuần tra Ukraine cho hay: “Talon sẽ được triển khai để rà phá bom mìn ở Ukraine. Đây là một robot công binh không chỉ định vị vật liệu nổ bị cài cắm lại mà còn vô hiệu hóa chúng. Trước xung đột, chúng tôi đã có hơn chục robot, bây giờ QinetiQ sẽ cung cấp thêm 10 robot nữa”. Theo hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine, gần 300.000km2 tại quốc gia Đông Âu này hiện cần được rà phá bom mìn.

Cùng với Anh, Mỹ gần đây đã đồng ý cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tiên tiến. Điều đáng chú ý là Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra điều kiện vũ khí Mỹ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Điều kiện đảm bảo lãnh thổ Nga không bị tấn công bằng vũ khí của Mỹ là một động thái khôn ngoan để ngăn chặn leo thang. Tuy nhiên, một số người xem đây là dấu hiệu rõ ràng gửi tới Tổng thống Nga rằng ông đã khiến phương Tây lo ngại.

Mặc dù hiện có nhiều quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine nhưng các nước phương Tây vẫn chưa thống nhất về quan điểm. Chính phủ Italia hiện đang chia rẽ trong việc gửi nhiều vũ khí hơn cho Ukraine. Một trong những nhân vật phản đối mạnh mẽ nhất là ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu, người từng ký thỏa thuận hợp tác với đảng của Tổng thống Nga Putin.

Tuần trước, Đức tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống radar và phòng không tối tân. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn bị chỉ trích vì chậm bàn giao vũ khí cho Kiev và từ chối thừa nhận “Ukraine phải chiến thắng”. Khi được hỏi về sự miễn cưỡng của mình, ông Scholz nói rằng ông chỉ cố gắng “hành động một cách khôn ngoan với cái đầu tỉnh táo”.

 Phần lớn các nước Đông Âu đã đi đầu trong việc chuyển vũ khí cho Ukraine vì lo ngại họ có thể trở thành mục tiêu tiếp theo sau Ukraine. Do vậy họ muốn giúp Ukraine để tránh chiến tranh lan sang nước mình.

 Mục tiêu của Mỹ và phương Tây là họ là muốn đưa Nga quay lại bàn đàm phán với Ukraine. Từ đó hướng đến thỏa thuận ngừng bắn và lập lại hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên điều này khó thành hiện thực khi các điều kiện của Nga chưa được đáp ứng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>