Mỹ - Nga leo thang căng thẳng ngoại giao

08/10/2021 | 08:16 GMT+7

Trục xuất các nhà ngoại giao lẫn nhau đã làm cho quan hệ Nga - Mỹ rơi vào tình cảnh đã xấu nay còn xấu hơn.

Đại sứ Nga tại Mỹ (ảnh nhỏ) tiết lộ quan hệ song phương vẫn tệ như cũ. Ảnh: RT   

Các thượng nghị sĩ hàng đầu Mỹ vừa yêu cầu Tổng thống Joe Biden trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga khỏi nước này nếu Matxcơva không cấp thêm thị thực cho các phái viên của Washington tại Nga.

Trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden, 2 thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ và 2 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa cho rằng, Nga từ lâu đã gộp cả đội ngũ nhân viên địa phương khi tính toán số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ được phép làm việc tại Nga. Hiện có khoảng 400 nhân viên ngoại giao Nga đang làm việc ở Mỹ, trong khi chỉ có khoảng 100 nhân viên ngoại giao Mỹ đang làm việc ở Nga. Bức thư có đoạn: “Sự không cân xứng về đại diện ngoại giao này là không thể chấp nhận được. Do đó, Nga phải cấp đủ thị thực để đạt được sự tương đương giữa số lượng các nhà ngoại giao Mỹ phục vụ tại Nga và số lượng các nhà ngoại giao Nga phục vụ tại Mỹ”.

Đáp trả động thái trên của Mỹ, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích những yêu cầu của các thượng nghị sĩ Mỹ. Hãng thông tấn Tass dẫn lời quan chức này nhấn mạnh: “Những người kêu gọi thực hiện một biện pháp như vậy rõ ràng muốn tất cả các phái bộ của Mỹ tại Nga phải đóng cửa. Họ nên hiểu rằng, trách nhiệm đối với hành động này sẽ nằm ở phía họ”.

Hồi tháng 8, Chính phủ Nga đã ra lệnh cấm Đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva duy trì, thuê hoặc ký hợp đồng với các nhân viên là người Nga hoặc nước thứ ba, ngoại trừ bảo vệ. Quyết định đã buộc phái bộ của Washington phải cắt giảm 182 nhân viên và hàng chục nhà thầu, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga từng triệu tập Đại sứ Mỹ John Sullivan tới để công bố những bằng chứng cáo buộc các tập đoàn công nghệ Mỹ đã vi phạm luật pháp Nga ngay trước cuộc bầu cử quốc gia (Hạ viện Nga). Điều này làm căng thẳng hơn nữa quan hệ song phương vốn đã ở mức thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh của hai nước. Nhà chức trách Nga tuyên bố với ông Sullivan rằng, bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ của Nga là “hoàn toàn không chấp nhận được”. Điều này đã làm cho quan hệ Matxcơva - Washington rơi xuống mức thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.

Còn nhớ, hồi tháng 6 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin, tuy nhiên đã không mang lại kết quả đáng kể nào. Giới phân tích cho rằng cuộc gặp giữa các tổng thống Mỹ - Nga rơi vào “nhàm chán” do cả hai đều thận trọng sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh song phương năm 2017.

Hai bên đã thể hiện sự khác biệt quan điểm trong nhiều vấn đề. Tổng thống Biden nói rằng, Nga sẽ gánh chịu “hậu quả tàn khốc” nếu lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny hiện đang bị bắt giữ bị chết hoặc các cuộc tấn công mạng tại Mỹ tiếp tục xảy ra. Mỹ đã yêu cầu Matxcơva ngăn chặn các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền mà Washington cáo buộc là do tin tặc Nga gây ra.

Về phần mình, Tổng thống Putin đã bác bỏ mối lo ngại của Washington về vụ bắt ông Alexei Navalny; về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía Đông Ukraine và cáo buộc của Mỹ cho rằng người Nga phải chịu trách nhiệm cho loạt vụ tấn công mạng tại Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ là một cuộc đối thoại “thực dụng về lợi ích của hai nước”. Chính điều này đã dẫn đến kết quả không như mong đợi. Cho nên việc trục xuất các nhà ngoại giao lẫn nhau gần đây như “thêm dầu vào lửa” đẩy quan hệ Nga - Mỹ ngày càng xa hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>