Một số nước nới lỏng các quy định phòng, chống dịch

06/09/2021 | 17:41 GMT+7

Một số quốc gia đã thừa nhận không thể xóa sổ Covid-19 và chuẩn bị để người dân bước vào giai đoạn coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu”, theo đó nhấn mạnh đến việc sống chung với vi-rút và khuyến khích trách nhiệm cá nhân.

Khách du lịch và người dân ngắm cảnh hoàng hôn tại Jumeirah Beach Residence, Dubai, UAE. Ảnh: AP

Ngày 5-9, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã công bố chương trình thị thực xanh, cho phép người nước ngoài đến làm việc tại nước này mà không cần nhà tuyển dụng lao động bảo lãnh.

Bên cạnh đó, UAE nới lỏng các quy định về cư trú như một trong các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc nới lỏng các quy định về cư trú là một phần trong gói kế hoạch 50 sáng kiến kinh tế của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút khoảng 150 tỉ USD đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong 9 năm tới.

Nhìn chung, người nước ngoài ở UAE thường chỉ được cấp thị thực có giới hạn, gắn với chủ sử dụng lao động và rất khó để có được quy chế cư trú dài hạn. Tuy nhiên, những người được cấp loại thị thực xanh sẽ có thể đến UAE làm việc mà không cần một công ty đứng ra bảo lãnh.

Những người này cũng có thể bảo lãnh cho cha mẹ và con cái dưới 25 tuổi đến UAE. Bộ trưởng Bộ Thương mại UAE Thani al-Zeyoudi cho biết, loại thị thực này sẽ được cấp chủ yếu cho nhóm những lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân, thực tập sinh, những sinh viên và nghiên cứu sinh nổi bật.

Các quốc gia vùng vịnh như UAE đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Nền kinh tế UAE vốn đã đình trệ trong vài năm gần đây do giá dầu giảm và càng thêm áp lực khi đại dịch Covid-19 tác động tới ngành du lịch và hoạt động kinh doanh.

Năm 2019, UAE triển khai chương trình thị thực vàng trong 10 năm để thu hút những cá nhân giàu có và lao động tay nghề cao tới nước này. Đây cũng là chương trình đầu tiên được triển khai tại vùng Vịnh. Sau đó, các quốc gia khác trong khu vực như Saudi Arabia và Qatar cũng triển khai các chương trình tương tự.

Hồi tháng 6-2019, Saudi Arabia thông báo sẽ cấp quy chế cư trú dài hạn với chi phí 800.000 Riyal (213.000 USD) và quy chế cư trú một năm có thể gia hạn với chi phí 100.000 Riyals, cho phép người nước ngoài hoạt động kinh doanh và mua tài sản tại nước này mà không cần một công dân hay tổ chức của nước này đứng ra bảo lãnh.

Qatar cũng mở cửa thị trường bất động sản cho người nước ngoài với kế hoạch cho những người mua nhà cửa hoặc cửa hàng kinh doanh tại nước này quyền cư trú dài hạn hoặc vĩnh viễn. Hiện người nước ngoài chiếm tới 90% tổng dân số 10 triệu người tại UAE, nền kinh tế lớn thứ 2 trong thế giới Arab, chỉ sau Saudi Arabia.

Philippines mới đây ra thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với 10 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Du khách đến từ các quốc gia này sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh Philippines.

Trước đó, lệnh cấm nhập cảnh đã được Philippines đưa ra từ tháng 4 và mở rộng vào tháng 7 để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Hiện Philippines vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao. Hai ngày qua, nước này ghi nhận tổng số hơn 41 nghìn ca mắc mới Covid-19.

Để ứng phó, Philippines đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng và dự định nâng mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng từ 70 lên 90% dân số được tiêm chủng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quá trình mở cửa ở Anh, Israel và Singapore - những quốc gia có độ phủ vắc-xin cao, đã cho thế giới những bài học thiết thực để “sống chung với Covid-19” và sớm quay lại cuộc sống bình thường.

Bài học kinh nghiệm từ các nước này cho thấy chỉ tiêm vắc-xin là chưa đủ để đối phó với đại dịch. “Lá chắn phòng thủ” trước Covid-19 cần thêm cả những vũ khí khác như: khẩu trang, xét nghiệm hàng loạt có mục tiêu, hạn chế tụ tập đông người và hộ chiếu vắc-xin, đều cần được áp dụng.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>